Câu chuyện bóng đá và cải cách giáo dục

5.9 ngày khai trường và cũng là ngày khai tranh giải U19 Đông Nam Á. Hai sự kiện trùng một ngày nhưng tâm trạng hoàn toàn trái ngược. “Say và sốt với U19 Việt nam” với bóng đá bao nhiêu thì lo âu sầu não với giáo dục Việt nam bấy nhiêu. Trùng lặp về thời gian, đối ngịch về tâm trạng, một bên là ma lực, một bên là cực hình!

Có một sự tương đồng giữa giáo dục và bóng đá. Với giáo dục là giáo viên và học sinh, với bóng đá là huấn luyện viên và cầu thủ. Vậy đâu là sự khác biệt để bóng đá tạo ra ma lực? Đâu là nguyên nhân để giáo dục mãi vẫn là… cực hình?
Khác biệt cơ bản nhất: với bóng đá thì cầu thủ là chủ thể, chủ động được chơi, được thể hiện, huấn luyện viên chỉ là người hỗ trợ, tư vấn để các cầu thủ thể hiện tài năng bản sắc. Với giáo dục thì giáo viên là chủ thể thể hiện và áp đặt, học sinh là đối tượng bị áp đặt, bị nhồi nhét kiến thức. Hơn thế nữa, mọi đối tượng trong lớp học bị áp đặt và nhồi nhét cùng một kiểu như nhau. Ở sân bóng thì cầu thủ càng nhiệt tình thể hiện thì càng được hoan hô cổ vũ, cầu thủ nào kém thể hiện thì bị loại ra khỏi sân và thay bằng người khác. Ở lớp học thì ngược lại, càng ngồi im, càng co rúm thì càng được khen, thể hiện thì dễ bị phiền toái.
 


Với bóng đá, khi các cầu thủ nhiệt huyết đam mê thể hiện, huấn luyện viên điềm tĩnh quan sát chỉ thỉnh thoảng chỉ đạo trợ lý nhắc nhở thì đấy là một trận đấu tuyệt hảo. Còn khi các cầu thủ uể oải, huấn luyện viên nhảy dựng la hét thì chắc chắn đấy là một thảm hại. Lớp học thì ngược lại. Khi học sinh co rúm sợ sệt nghe giáo viên la hét thì được gọi là ngoan ngoãn. Lớp nào mà có các hoạt động sôi nổi liền bị nhà trường nhắc nhở bớt ồn ào.
Chúng ta đã tốn quá nhiều bút giấy và thời gian để bàn về cải cách giáo dục. Nào là cải cách sách giáo khoa với kinh phí hàng chục nghìn tỷ đồng; nào là thay đổi phương pháp giảng dạy từ “đọc chép” sang “chiếu chép” qua máy tính và màn hình hiện đại… Dù cải cách kiểu gì gì đi nữa thì đấy vẫn là cái ngọn của cải cách.
Chúng ta cùng nhìn lại tháp nhu cầu Maslow để hiểu thêm về giáo dục. Theo Maslow nhu cầu con người gồm 5 bậc từ thấp đến cao: 1. Sinh lý, 2. An toàn, 3. Quan hệ xã hội, 4. Được công nhận, 5. Tự thể hiện. Rõ ràng nhu cầu cao nhất của con người là tự thể hiện. Thế mà giáo dục hiện tại lại chỉ chú trọng vào bậc 1 và bậc 2, nặng về nhồi nhét và an toàn tuyệt đối (ngồi im không ngọ nguậy, không phát biểu, không đặt câu hỏi).
Tháp nhu cầu Maslow

Bóng đá thì hoàn toàn ngược lại. Các cầu thủ được khuyến khích thể hiện bản sắc riêng biệt (bậc 5) và luôn được tôn vinh (bậc 4) bất cứ khi nào thể hiện xuất sắc. Và một điều tất nhiên là các cầu thủ phải chấp nhận rủi ro. Việc đầu tiên của các cầu thủ là phải mua bảo hiểm chấn thương. Muốn được ban thưởng phải chấp nhận tổn thương.
Bàn về cải cách giáo dục là cả một bài toán lớn. Muốn giải được bài toán lớn thì điều đầu tiên phải đi đúng hướng đi vào cái cốt lõi. Cái cốt lõi nhất là dịch chuyển chủ thể. “Nhân sinh thất thập cổ lai hi”, người thọ 70 xưa nay hiếm. 1/3 đời người, 1/3 đẹp nhất chúng ta sống trong nhà trường. Làm thế nào để biến nhà trường thành một nơi đáng sống, một nơi con người được khuyến khích để thể hiện hàng ngày chứ không phải một nơi đáng sợ, một nơi thụ động bị nhồi nhét để sau này ra đời thể hiện. 

Rõ ràng khi và chỉ khi dịch chuyển từ giáo viên làm chủ thể sang học sinh làm chủ thể thì mới nói đến học sinh tự thể hiện được, mới nói đến nhu cầu bậc cao của con người được. Khi học sinh là chủ thể thì đối tượng là phương pháp tự học. Giáo viên (teacher) phải dịch chuyển sang vai trò là huấn luyện viên (coach), tư vấn viên (consultant) và người hỗ trợ (facilitator) để học sinh tự chơi và thể hiện bản sắc riêng biệt một cách xuất sắc như các cầu thủ bóng đá. Khi chúng ta dịch chuyển giáo dục sang học sinh là chủ thể thì mỗi ngày khai trường là một ngày hội đầy háo hức say mê.

(Nguồn: motthegioi.vn)