Tiến sĩ Toán lý Phan Quốc Việt (Việt "tròn") đã "bỏ cả kinh doanh, bỏ cả chính trị để đi đào tạo về kỹ năng giao tiếp ứng xử" vì ông thấy đây là phần thiếu nhất ở người Việt Nam. Là người đi đầu trong lĩnh vực này, TS Việt "tròn" có nhiều nhận xét thú vị muốn chia sẻ với độc giả của Đẹp Online.
"Người ta cũng rủ tôi làm scandal để nổi tiếng"
- Dạo này ông có hay theo dõi chuyện thần tượng viết “tâm thư” không? Bức thư các ngôi sao viết, biết là từ “tâm” nhưng mà mắc nhiều lỗi về văn phạm, ứng xử quá thì cũng khiến người khác hơi băn khoăn thật.
- Tôi có theo dõi, nhưng không phải chỉ thần tượng, người nổi tiếng, mà dân mình vốn thế, đây là lỗi chung thôi. Bây giờ bảo công chức viết hai trang tử tế còn khó. Đây là do cái hời hợt của giáo dục, và vấn nạn chung của ngành giáo dục thôi.
- Vậy là lại do…giáo dục, chứ chẳng phải do cá nhân ai?
- Tất nhiên, là do ngành giáo dục chứ. Thêm nữa, các ngôi sao, các thần tượng “được” tâng bốc, “được” châm chước, nên người ta lại càng thiên lệch hơn. Nhưng cơ bản vẫn là do giáo dục, viết chưa xong mà còn bắt người ta học Lev Tolstoi rồi Nguyễn Du..., các thứ.
- Nhưng cũng có nhiều loại nổi tiếng, loại nổi tiếng rồi người ta mới phát hiện ra anh ta thiếu văn hóa, và loại dùng sự thiếu văn hóa để nổi tiếng.
- Là do trào lưu, chính tôi cũng có người đang rủ làm scandal để nổi tiếng đây. Rủ làm cái gì đó ầm lên, chửi nhau đi, tranh luận, công kích nhau đi. Đó là kiểu khác. Nhưng không thể phủ nhận rằng một phần lý do là do lịch sử để lại: trước đây chúng ta không tôn vinh môn văn. Năm nào các bạn đi thi toán về cũng được lên báo cả, vậy mà ai được giải văn tôi không biết. Sách Việt Nam cũng khó mà hay vì nhuận thấp quá, viết là lỗ.
- Đó là chuyện viết lách, còn cách cư xử thiếu văn hóa nữa…
- Thực tế giao tiếp, ứng xử là thứ cơ bản mà người Việt Nam ít được học, nên cũng không trách được. Đó là cái chung, nhưng người nổi tiếng thì dễ bị chú ý hơn. Nếu Bộ Văn hóa có quy định phải có giấy phép hành nghề, phải được đào tạo, có chuẩn mực riêng thì sẽ khác. Môi trường nào thì thần tượng ấy, đừng đổ lỗi cho họ.
- Nhưng có lẽ một phần nguyên nhân cũng là do dân mình dễ tính quá. Đáng lẽ thần tượng thì phải ở trên cao, nhưng khi họ không được cao mà mình cứ tôn họ lên…
- Vì họ chỉ được như thế thôi, mình phải chấp nhận. Bao giờ người tài chả có tật, miễn đừng lạm dụng quyền “được có tật” là được.
- Thực ra bây giờ có nhiều người nổi tiếng mà chẳng cần hành nghề gì, cũng chẳng có tài gì, chỉ cần nói một câu, đăng một clip, tải một bộ ảnh… cũng thành nổi tiếng. Mà quan trọng hơn, những thứ đó thiếu văn hóa mà lại có ảnh hưởng tới nhiều người.
- Hãy nhớ là bản chất con người thích sự khác biệt. Khác biệt có học khác, mà khác biệt thiếu văn hóa cũng khác. Nếu không khác biệt bằng nghệ thuật, bằng tài năng, bằng chuyên môn thì người ta khác biệt bằng quậy phá để nổi tiếng.
- Ông có nghĩ là ngày xưa cũng thế thôi, nhưng bây giờ có mạng xã hội, có báo chí rộng khắp, nên nhiều thứ được phơi bày ra?
- Không, người xưa chuẩn mực lắm chứ. Không chỉ là người nổi tiếng, mà công chức cũ, anh bộ đội cụ Hồ, công an nhân dân, bác sĩ… đều khác cả. Đây là vấn đề của xã hội. Bây giờ người ta nghĩ về tiền nhiều quá, thanh niên thì ước mơ kiếm được nhiều tiền, người lớn thì lao vào kiếm tiền, nổi tiếng càng có nhiều tiền nên người ta bằng mọi giá phải nổi tiếng. Không thấy chữ “hạnh phúc”, “sống thực sự”, “văn hóa” ở đâu cả. Người ta không làm nghệ thuật, không làm văn hóa mà đó chỉ là công cụ để làm tiền. Đại gia phải là đại gia. Nghệ sĩ cho ra nghệ sĩ. Tôi chả thấy đại gia nào đi hát cả, thế mà rất nhiều nghệ sĩ lại muốn là đại gia. Cái khổ là họ tự biến mình thành dơi, đi với bò sát mình là chim, đi với chim thì khoe mình là bò sát.
- Thực ra, thị hiếu bây giờ là thế nên làm nghệ thuật tử tế cũng khó sống lắm!
- À, đừng có sợ. Tại là anh chưa đủ trình độ chứ. Những nghệ sĩ ngày xưa khác lắm, những Quang Thọ, Lê Dung… hát chuẩn mực, chuyên nghiệp lắm, chứ không như bây giờ, ai cũng là nghệ sĩ được. Đừng nói riêng nghệ sĩ, bác sĩ, kỹ sư hay giáo viên bây giờ cũng vậy thôi, chưa bao giờ người ta thiếu chuyên môn như bây giờ. Được đào tạo bài bản khác lắm, mà thành công bền hơn.
Xuất thân là một tiến sĩ toán, nhưng Phan Quốc Việt lại sáng lập ra Tập đoàn Tâm Việt (có trụ sở đặt tại Hà Nội) chuyên về đào tạo kỹ năng mềm.
- Ý ông nói rất hay. Tôi nhận ra tư duy ăn xổi này không thể đổ lỗi cho người nổi tiếng được thật.
- Đúng thế. Do những người thưởng thức nữa, nếu thấy cái dở mà không bài trừ, lại còn tung hô thì trách ai? Nhưng cũng phải đặt câu hỏi vì sao người ta lại “mê” những thứ ấy. Nếu nghiên cứu về tháp nhu cầu Maslow, thì người ta sẽ hiểu rằng nhu cầu bậc 1 là sinh lý, là ăn uống đã, bậc 2 là an toàn, bậc 3 là có cộng đồng, tức là vào Facebook, lên mạng xã hội,.. bậc 4 là được tôn vinh, bậc 5 là thể hiện. Nếu không được thể hiện bằng đam mê, thì tôi phải thể hiện bằng gầm rú, la hét…
Tôi cũng thế, nếu tôi không đi dạy, không diễn thuyết, thì tôi phải uống rượu, đánh tá lả, vì tôi thích được thể hiện, nhưng bây giờ tôi phải đi “chém gió” cả ngày rồi nên hết năng lượng, chẳng quậy phá được. Tức là phải tạo sân chơi, phải định hướng cho người ta, không cần giải thích, chỉ trích gì, hãy tìm giải pháp đi. Ví dụ, với những người làm nghệ thuật, phải bắt buộc: chứng chỉ hành nghề đâu? Chứng chỉ giao tiếp xã hội cơ bản đâu? Rồi cái người cấp phép cũng phải có văn hóa nữa, chứ ông không có văn hóa mà ông lại muốn cấp chứng chỉ cho người ta thì chết.
- Giải pháp này của ông xem ra… lâu dài quá. Ông có cái nào đổ nước nóng vào là … dùng ngay được không?
- Bắt buộc phải thế, văn hóa là lâu dài mà, không thể ngày một ngày hai được. Văn hóa có quán tính rất lớn, và như thế mới gọi là văn hóa. Ít nhất phải chục năm, trăm năm, chứ không ngay lập tức được. “Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”, văn hóa là con người, phải kiên định và kiên quyết nếu không sẽ là nguy cơ cho dân tộc, cho nhiều thế hệ mai sau.
- Tức là chúng ta sẽ phải trả giá trong một thời gian khá lâu nữa?
- Tất nhiên, chủ quan với văn hóa là không được, và sẽ phải trả giá đắt. Tôi đã phải bỏ toán, lý, bỏ cả kinh doanh, bỏ cả chính trị để đi đào tạo về kỹ năng giao tiếp ứng xử. Vì sao? Vì tôi thấy đây là phần thiếu nhất. Tôi là người đi đầu thì có vất vả, mà tôi cũng chẳng được học từ ai, cứ vừa đi dạy vừa học từ chính mọi người.
- Đối tượng dạy học của ông đã bao giờ là người nổi tiếng hay những người quản lý văn hóa chưa?
- Tôi đi dạy đại biểu Quốc hội rồi, chủ tịch tỉnh rồi… nhưng bên văn hóa thì ít. Nhu cầu về văn hóa ứng xử là rất cao, dùng được mọi lúc mọi nơi, dùng suốt đời được, ứng xử với mọi người được, lại ứng xử với chính mình cũng vẫn được. Càng nhiều tuổi, càng lên chức cao thì càng phải học văn hóa ứng xử.
"Người tốt không làm đến nơi đến chốn bằng bọn xấu"
- Những thứ như ăn thế nào, mặc thế nào thì có thể dạy nhanh được, chứ còn nói năng thế nào, viết lách thế nào, ý tứ ra sao…
- Như nhau thôi, dạy được hết, chỉ là mất nhiều thời gian hơn thôi. Tôi có dạy về “quản trị nhân hiệu”, muốn có nhân hiệu bắt buộc phải độc đáo, khác biệt, phải nhất quán nhưng quan trọng nhất là phải gia tăng giá trị cho đời. Thường những người nổi tiếng bây giờ chỉ quan tâm 2 điều đầu tiên thôi, họ rất độc đáo và nhất quán nhưng lại quên mất cái gốc là giá trị, nên dẫn tới phản cảm. Văn hóa của đám đông hiện nay thấp, nên người nổi tiếng được làm như thế, chứ có nhiều người phản đối thì mọi chuyện lại khác.
Tuy vậy, nguy hiểm nhất hiện nay lại là những người làm văn hóa và những người cao tuổi có văn hóa đáng lẽ phải lao vào viết, lao vào nói thì họ lại không làm thế, mà chỉ đứng trách móc thôi, theo tôi, họ đang có văn hóa một cách rất… vô văn hóa. Bắt buộc phải nhân rộng cái tốt lên, phải đi dạy, phải viết nhiều hơn, phải làm video nhiều hơn, mà phải video hay. Nếu không có video hay, thì clip bà Tưng tung lên và trở nên nổi tiếng là đúng rồi. Tôi xin nhắc lại, chỉ có cái tốt mới đè bẹp được cái xấu, hàng triệu hành động đẹp mới đè bẹp được hàng triệu lời nói lung tung.
- Nhưng thực tế bây giờ có nhiều chương trình hay mà cũng ít người xem. Cũng giống như ông viết status trên Facebook, ông viết rất tâm huyết mà chẳng có ai like thì ông có viết được suốt hàng năm trời không?
- Không, nhiều người like chứ, người tốt nhiều lắm. Tại sao những cái xấu lại có cộng đồng, còn cái tốt thì không? Vì người tốt đâu có chịu mất tiền để lăng xê. Chị tưởng có những tài khoản Facebook hàng triệu người theo dõi là do tự nhiên à? Người tốt không chịu bỏ tiền, bỏ công, hoặc bỏ không hiệu quả, không làm đến nơi đến chốn bằng bọn xấu (cười).
- Việc này có vẻ xuất phát từ sự tự nguyện nhiều quá.
- Phải tự nguyện chứ. Chị phải có lòng yêu nước, yêu chính mình. Giống như là nếu chị không bắt trộm thì một ngày nào đó trộm sẽ vào nhà chị. Nếu chị không chặn cướp lại thì cướp sẽ tấn công chị. Hiện nay, thứ nguy hiểm nhất là sự bàng quan, ích kỷ.
- Trộm, cướp thì thấy rõ, nhưng bây giờ người ta có vẻ chưa thấy rõ tác hại của thứ văn hóa rẻ tiền cho lắm.
- Như chị thấy, đi đường có vụ tai nạn là người ta xúm vào ngay, chứ thấy bông hoa đẹp chưa chắc người ta đã dừng lại. Đó là nhu cầu bậc thấp của con người, nhưng còn những nhu cầu khác nữa. Tôi vẫn nói “Hiền tài là nguyên khí quốc gia, báo chí là lý trí của quốc gia”. Lý trí mà suốt ngày hở ngực lộ hàng thì chết.
Ngày xưa chúng ta phải đi tìm thông tin, còn bây giờ thông tin đổ ụp vào chúng ta. Nếu không có một lực lượng mạnh, đủ sức xây dựng thông tin tốt đủ nhiều thì thông tin xấu sẽ tràn vào. Và hãy nhớ, nếu cứ làm như cũ mà lại mong kết quả mới thì có mà… điên! Chúng ta không thể ngăn chặn cái xấu, ngăn chặn là một phần thôi, cách duy nhất để phòng thủ là tấn công, cách duy nhất để ngăn chặn cái xấu là nói về cái tốt nhiều hơn, làm việc tốt nhiều hơn.
- Xin cảm ơn ông!
Bài: Linh Hanyi
Ảnh: Tâm Việt Group
(Nguồn: Đẹp Online)