Đó chính là triết lý về kỹ năng sống của Tiến sĩ Phan Quốc Việt, chủ tịch Hội đồng quản trị Tâm Việt Group- chuyên đào tạo kỹ năng sống với mục tiêu “làm tâm người Việt sáng hơn, nâng tầm người Việt cao hơn”… Và trong không khí đất trời rạo rực sức xuân, câu chuyện về kỹ năng sống của tỷ phú “mềm” dường như càng thêm ý nghĩa….
Công ty lạ đời…
Không ít người ví Phan Quốc Việt thuộc hàng “kiệt nhân” bây giờ. Thế nhưng, ở đời người ta vẫn bảo “lắm tài thì nhiều tật”, điều này có lẽ đúng với ông(?!). Là dân gốc Diễn Châu, Nghệ An – vốn nổi tiếng là đất hiếu học, thủơ nhỏ của Phan Quốc Việt là những cuộc rong chơi, còn chuyện học hành thì khỏi nói – lúc nào cũng thuộc hàng “top ten”. Nhưng cuộc đời của mỗi con người lại có những bước đi thật kì lạ, có mấy ai đã biết mình sẽ rẽ lối nào. Ông cũng vậy, là dân Toán – Lý tu nghiệp ở Liên Xô – một trong những cái nôi của khoa học thế giới, ấy thế nhưng đến bây giờ ông lại trở thành chuyên gia cao cấp giảng dạy, đào tạo về kỹ năng mềm, kỹ năng giao tiếp và ứng xử – một trong những khoa học tinh túy nhất của xã hội loài người.
Năm 1988, ông về nước và đảm nhận trọng trách Trưởng phòng Tin học tại Liên doanh Dầu khí Việt Xô (VietSovPetro) tại Vũng Tàu. Năm 1993, ông lên chức Phó Chánh văn phòng và chỉ 6 tháng sau là Chánh Văn phòng TCT Dầu khí (nay là Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt nam). Đến năm 1997, ông chuyển sang làm Giám đốc Công ty Dầu khí Hà Nội. Giữa những năm 90, HanoiPetro do ông điều hành là doanh nghiệp duy nhất kinh doanh có lãi trong ngành khí ga ở miền Bắc. Thế nhưng chỉ một thời gian ngắn, ông đùng đùng bỏ chiếc “ghế nóng” mà bao người mơ ước để theo đuổi một ước mơ “hão huyền và ảo tưởng” lúc bấy giờ, đó là mở ra doanh nghiệp dạy kỹ năng sống…
‘Tôi đi ra nước ngoài để học tiến sĩ, nhưng cái mà tôi muốn mang về để phục vụ cho nước nhà không phải là kiến thức cao siêu về Vật lý mà là những kỹ năng sống. Tại sao cũng là người với những bộ óc biết tiếp thu công nghệ hiện đại lại thất bại, không mấy thành công như người nước ngoài? Bởi vì chúng ta thiếu kỹ năng sống, kỹ năng tư duy để nhảy vọt… Kỹ năng sống ở Việt nam chẳng có ai dậy cả, nếu tự học, chắc sẽ học suốt đời… mà đời người thì như bóng câu qua cửa… và tôi đã lập ra Tâm Việt để hội tụ những kỹ năng sống, để sẻ chia, giúp đỡ và cùng gặt hái thành công”- tiến sĩ Phan Quốc Việt cho biết.
Theo ông, nếu bạn muốn ngắm thung lũng hãy trèo lên đỉnh núi. Nếu bạn muốn ngắm đỉnh núi thì hãy vươn lên mây trời… Bài học cốt lõi của tất cả các bài học mà ông giảng dạy chính là bài học vượt qua sự sợ hãi. Có thể mới đầu bạn thấy rất khó khăn, nhưng sau khi vượt qua nỗi sợ, hàng nghìn người làm được thế và hơn thế.
Những ngày đầu mới thành lập, Tâm Việt phải đi gõ cửa từng doanh nghiệp, từng trường học để xin được dậy. Ngày ấy, tiễn sĩ Phan Quốc Việt còn vào tận trường đại học để xin được đào tạo kỹ năng mềm cho các giảng viên với kỳ vọng các giảng viên sẽ truyền thụ tiếp những kỹ năng đó cho các thế hệ sinh viên. Thế nhưng khi đặt chân đến trường nào tiến sĩ và các cộng sự cũng bị đuổi. Nhiều người còn cho là thần kinh các anh có vấn đề, giảng viên dạy đại học còn dạy cho người khác, các anh lấy tư cách gì mà dậy cho các giảng viên?
Chào thua với khối giáo dục, Tiến sĩ Phan Quốc Việt lại cùng đồng nghiệp khai thác phân khúc thị trường ở phía doanh nghiệp. “Rất may, ngày ấy doanh nghiệp tư nhân bắt đầu chú trọng đến đào tạo kỹ năng mềm nên Tâm Việt mới có chỗ đứng”- Tiến sĩ Phan Quốc Việt mỉm cười kể lại.
Những ngày khó khăn ấy nhanh chóng trôi qua, dần dần người Việt bắt đầu chú ý đến những kỹ năng mềm.
Ông Việt chia sẻ, đến nay Tâm Việt đã tổ chức được hơn 5.000 lớp cho các tổ chức các tỉnh thành, cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước, đặc biệt là cho lớp trẻ. Ở đây, chúng tôi giảng dạy bằng việc kết hợp khát vọng máu lửa của người Mỹ, thâm thuý của người Tàu, tâm linh của người Ấn Độ, bộc trực của người Nga với vốn văn hóa truyền thống linh hoạt, hài hòa của người Việt để tạo nên Tâm Việt “làm tâm người Việt sáng hơn, nâng tầm người Việt cao hơn”.
Các khách hàng thường xuyên trong lĩnh vực đào tạo của Tâm Việt bao gồm nhiều các tổ chức quốc tế như UNDP, World Bank, RMIT… Các tổ chức trong nước như: Văn phòng Chính phủ, Quốc hội, Ban Tuyên Giáo TƯ, Ban Tổ chức TW… Rất nhiều chương trình ý nghĩa được Tâm Việt phối hợp với VTV xây dựng như: Người xây tổ ấm; Hội nhập quốc tế; Kỹ năng trẻ; Gặp nhau cuối tuần; Chuyện phiếm… để đáp ứng nhu cầu của xã hội về các kỹ năng để hoàn thiện con người.
Ông chủ kỳ quái…!!!
Là công ty nhưng Tâm Việt lại hoạt động giống như một trường học. Là doanh nghiệp nhưng người đứng đầu chủ trương không chạy đua theo “cơn lốc” giá cả, không đi theo bất cứ quỹ đạo kinh tế nào. Người nhiều tiền cũng như người nghèo khó đến đây học kỹ năng sống hạnh phúc hơn, thành công hơn. Công ty đưa ra một quy định bất thành văn, lấy của người giàu chia cho người nghèo theo kiểu…Robin Hood. Người giàu thì học phí tiền triệu, nhưng với sinh viên, trẻ, già, nghèo khó thì chỉ lấy vài trăm, có người học miễn phí. Lạ hơn là, dù áp mức giá chênh lệch nhau đến mấy chục lần nhưng từ trước tới nay lại chưa một ai thắc mắc hay kiện cáo gì cả, cứ răm rắp thực hiện như lẽ đương nhiên phải thế.
Tâm Việt không lớn, không có cỗ máy, không có công nhân, không có những bụi khói cuộn đen trên bầu trời, chỉ thấy một “rừng người” đang hát những bài hát về đất nước, về tình yêu, về tuổi trẻ… Đèn chiếu, nhạc sống, đạo cụ các loại, trông giống như một buổi live show, một chương trình trò chơi trên truyền hình, hay một buổi văn nghệ thanh niên, hơn là một hội thảo, lớp học và chẳng giống gì với một công ty làm ăn kinh tế.
Nói hơi quá nhưng có lẽ Tiến sĩ Phan Quốc Việt phải là doanh nhân hạng đặc biệt mới phải. Những sản phẩm mà ông bày bán lại là một kho những ý tưởng độc đáo và mới lạ. Cái đó không phải ai cũng mua được, nhưng chắc chắn là ai cũng cần. Mà cần nhất bây giờ là giới lãnh đạo, tri thức, giới kinh doanh và sinh viên mới ra trường… bởi ở ta hiện nay trong trường học không có, hoặc có rất ít các chương trình đào tạo về kỹ năng cho cuộc sống. Mọi kỹ năng có được có chăng chỉ là sự cóp nhặt, tích lũy bằng kinh nghiệm là chính. Do vậy thực sự với Tâm Việt – đào tạo kĩ năng mềm, để phát huy tối đa tiềm năng của con người là việc làm mới mẻ và cần thiết. Ông tâm sự: Thực ra, đối tượng chính yếu tôi hướng đến vẫn là các bạn trẻ. Tham vọng của tôi là xây dựng một Học viện mang tên Ý chí Việt, kiểu như học kỳ quân sự ở các trường hiện nay. Trong tất cả cuộc chiến chống ngoại xâm, thời nào chúng ta cũng có anh hùng. Tuy nhiên, trong lịch sử kinh doanh, chúng ta đang thiếu những anh hùng giữa thời bình. Đặc biệt, càng không thể dùng những chuẩn mực anh hùng của thời chiến để làm thần tượng trong thời bình.
Tính cách của Phan Quốc Việt thuộc hàng cổ quái, lanh ma,… Nếu không tin, xin cứ đến Tâm Việt mà xem “thầy Việt tròn” dạy. Ông có thể chửi bất kì ai ông ghét, ôm những ai ông thích, biết là rất khó chịu nhưng không ai dám nói cãi vì ông làm đúng. Nếu làm sai, làm chưa tốt thì ông ghét, còn làm tốt, nói hay ông thích mà ông bảo đã thích thì không gì hiệu quả hơn là động viên “trực tiếp”…đó cũng là một chiêu trong nghệ thuật giao tiếp, trong kỹ năng mềm mà Tâm Việt đang đào tạo.
Một điểm nữa cũng nên được xếp vào dạng “dị”, ấy là cái tính cách “vừa lì lại vừa liều” của ông. Chả thế mà ông chẳng ngán ai bao giờ, kể cả sếp, minh chứng rõ nhất của cái máu ấy chính là mấy lần ông bị đuổi việc không thương tiếc.
“Ngành nghề kinh doanh” của Tâm Việt không phải nhiều tiền, nhưng cứ nhìn Tâm Việt hôm nay và tương lai rộng mở, tôi hiểu vì sao ông lại tự nhận mình rằng: Tôi là tỷ phú…!!!
Thanh Thanh
(Nguồn: http://phaply.net.vn)