Hiển thị các bài đăng có nhãn báo. Hiển thị tất cả bài đăng

Tôi cũng từng giật tít, câu like...

“Cấm không phải là cách giải quyết tận gốc vấn đề. Nhiều khi cấm quá còn có tác dụng ngược” - Diễn giả, Tác giả, TS Phan Quốc Việt, Phó chủ tịch hiệp hội phát triển Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam, người sáng lập, Chủ tịch HĐQT Tâm Việt Group, nêu ý kiến sau khi dư luận lên tiếng về hiện tượng các bài hát tục tĩu, phản cảm được phổ biến tràn lan trên nhiều trang nhạc.

Rác văn hóa đang tràn lan với không chỉ những bài hát tiếng Việt dung tục, mà cả những bộ phim cực kỳ phản cảm được chiếu công khai trên mạng. Là người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, ông nhận định thế nào về hiện tượng này, thưa ông?

- Sự xuất hiện của những thứ rác văn hóa là câu chuyện thách thức muôn thuở với không chỉ Việt Nam và nhiều nước trên thế giới. Nhưng khi nó đồng loạt rộ lên như thời điểm hiện tại nước ta thì điều đó thực sự đáng lo ngại.

* Để xử lý những loại “rác” này, nhiều luồng ý kiến cho rằng, phải mạnh tay, phải cấm triệt để, nhưng quan điểm khác lại cho rằng, công chúng và khán giả phải tự đề kháng. Ông nghĩ sao?

- Thực tế chúng ta thiên về cấm, ngăn chặn, nhưng tôi cho rằng, cấm không phải là cách giải quyết tận gốc vấn đề. Nhiều khi cấm quá còn có tác dụng ngược, tuyên truyền không công, kích thích tò mò của công chúng. Chúng ta hãy học Bác Hồ, ngăn chặn cái xấu bằng cách đưa nhiều cái tốt lên, đưa nhiều bài hát tốt lên, nhiều phim hay lên. Cách duy nhất diệt cỏ là trồng lúa cho tốt, trồng cây hoa quả cho xum xuê. Chỉ chửi bới cái xấu cũng là một việc xấu.

TS Phan Quốc Việt


Tôi từng đến giảng ở một trường tại Nam Định, tầng 1 là khẩu hiệu: Nói không với ma túy; tầng 2 là: Nói không với mại dâm; tầng 3 là: Nói không với sống thử… Vậy là ba điều đọng lại trong tôi là: Ma túy, mại dâm, sống thử… Tôi chỉ một lần đến mà bây giờ vẫn nhớ, thử hỏi các em sinh viên ngày nào cũng nhìn thấy thì cái gì đọng lại trong tâm trí họ. Phải nhớ rằng não bộ chúng ta không chỉ có hình ảnh. Tại sao lại không phải là những khẩu hiệu: Học tiếng Anh xuất sắc; Tập thể dục thể thao hoặc Tinh thần đồng đội…

Quy luật tự nhiên của con người là thể hiện bản thân mình. Theo nhà tâm lý học Maslow với tháp nhu cầu Maslow nổi tiếng, đỉnh tháp, nhu cầu số 1 của con người là nhu cầu sinh lý. Vì thế, thể hiện bản năng sinh lý bao giờ cũng là dễ nhất. Như hiện nay, nhiều “sao” đang tìm đường tiến thân bằng cách chửi tục, rớt áo, văng xiêm. Nhu cầu thể hiện là nhu cầu số 5 của con người, nhưng không thể nổi tiếng bằng tài năng thì ắt họ sẽ quay trở lại nhu cầu số 1 - bản năng sinh lý mà thôi.

Thời trẻ chúng tôi sống, chúng tôi luôn đắm mình vui say với những ca khúc: Dậy mà đi, Hát mãi khúc quân hành… và cũng say đắm yêu thương với những ca từ đỉnh của cực với Ca dao em và tôi của nhạc sĩ An Thuyên:Cắt nửa vầng trăng/Cắt nửa vầng trăng tôi làm con đò nhỏ/Chặt đôi câu thơ/Bẻ đôi câu thơ tôi làm mái chèo lướt sóng… đến giờ vẫn hay. Rõ ràng là ái ngữ nói lên tình yêu lứa đôi rất tuyệt vời, chứ không phải “thô thiển, bom tấn” mới là yêu.

Bây giờ cuộc sống vật chất ngày càng đầy đủ hơn, vì vậy mới nảy sinh “nhàn cư vi bất thiện”. Giới trẻ hiện nay nhiều năng lượng lắm, họ luôn khao khát bung ra thể hiện, đôi khi thành liều lĩnh, ngông cuồng.

* Theo quan điểm của ông, chúng ta cần uốn nắn, định hướng thế nào cho giới trẻ?

- Chúng ta phải nhận thức rõ ràng rằng: “Rau nào sâu nấy”. Tức là môi trường xã hội văn hóa như thế nào sẽ tạo ra thế hệ trẻ như vậy. Vì thế cần tạo nhiều cơ hội cho giới trẻ thể hiện thì họ sẽ bớt đi những thể hiện bản năng sinh lý. Chúng ta không những chỉ mời họ đến với sân chơi của mình, đến với báo giấy mà phải mang cái tốt đến với sân chơi của họ, YouTube, Facebook... Phải có Fanpages lành mạnh, chất lượng, đầy hấp dẫn cho để giới trẻ học tập, giải trí.

Những thứ "rác” ca từ, phim 18+ tràn lan trên mạng đang gây “đau đầu” cơ quan quản lý văn hóa và thách thức xã hội


* Bản thân ông có thấy lo lắng khi con cháu mình đang ngày ngày đối diện và hấp thụ những mặt xấu của đời sống văn hóa?

- Tôi chỉ lo là chúng ta suốt ngày đi chống. Chỉ có cái đẹp mới đè bẹp được cái xấu. Chỉ chống cái xấu thì cái xấu mãi mọc. Chống tham nhũng tốt nhất bằng cách thực hành liêm khiết. Xóa đói giảm nghèo hiệu quả nhất là khuyến khích vượt khó làm giàu, khởi nghiệp từ tay trắng... Bóng đá Brazil luôn lấy tấn công làm phòng thủ. Chúng ta phải xác định làm văn hóa chứ không chỉ chống văn hóa đồi trụy thì mới xây được cái nền văn hóa lành mạnh cho giới trẻ.

Nhưng tôi cũng lưu ý, đừng “kín mít” như thời chúng tôi ngày xưa, càng cấm càng kích thích sự tò mò.

Tôi đã trực tiếp tham gia nhiều trang mạng xã hội, cũng giật tít, câu like, giao lưu với các bạn trẻ. Tôi nhận ra rằng, họ có rất nhiều ý tưởng tích cực, mới lạ, sáng tạo.

* Báo chí, truyền thông, mạng xã hội… đang là tác nhân gây ảnh hưởng xấu. Quan điểm của ông về nhận xét này?

- Cái gì cũng có hai mặt. Bây giờ sướng hơn trước vì thông tin tràn ngập. Với thế giới di động, bạn không phải tìm thông tin mà thông tin nó lao vào bạn. Chống cái xấu chỉ là cách làm bưng bít nó, mưng mủ lên, rồi phá nó ra, tự chọc, tự ngửi…

Nền giáo dục của các nước tiên tiến trên thế giới đang dịch chuyển từ thông minh logic sang thông minh xã hội. Trước tới nay, người ta giáo dục kiến thức nhiều quá. Các em giỏi toán, giỏi văn được thể hiện, giỏi cái khác không có cơ hội thể hiện. Năng lực cao mà không phụng sự xã hội thì chắc chắn làm bậy, lúc đó năng lực càng lớn càng nguy hiểm. Vậy hãy tạo điều kiện để các em thể hiện khả năng. Cần đào tạo kỹ năng xã hội cho trẻ con từ sớm để giới trẻ biết làm chủ bản thân, dấn thân gia tăng giá trị cho xã hội. Nếu không được đào tạo kỹ năng xã hội, thì giới trẻ sẽ ích kỷ, thiên về thể hiện thứ mạnh nhất, đó chính là bản năng sinh lý.

Chúng ta có nhiều báo chí. Nhưng hiện nay nhiều báo chí đó không đến với các em. Chúng ta phải có nhiều trang trên mạng. Không bắt được họ đến với mình thì mình phải đến sân chơi của họ.

Thật đáng buồn vì nổi bật các trang nhất bây giờ là “Bầu” Kiên, Dương Chí Dũng, Lê Văn Luyện… Nguy hiểm kinh khủng. Thời chúng tôi, ra ngõ gặp anh hùng, là chị Hằng, chị Tuyển, Nguyễn Văn Cốc, Nguyễn Viết Xuân, là Kim Đồng, Vừ A Dính… Bây giờ thì tràn ngập các báo là tệ nạn với cướp, giết, hiếp… Người tốt lên báo có khi chỉ 1 mẩu tin, trong khi chuyện lố lăng tệ nạn thì nhiều trang, nhiều kỳ… Một đặc tính của giới trẻ là luôn tìm thần tượng để noi theo. Họ luôn sống bằng thần tượng. Không có thần tượng tốt thì họ chọn thần tượng xấu. Hãy cho họ một sự lựa chọn.

Cũng cần lưu ý rằng, khá nhiều báo, trang mạng đang lạm dụng giới showbiz rởm để câu view cho mình. Cái xấu của loại báo chí này là xấu kép: họ lên tiếng phê phán nhưng thật ra, bản chất là PR không công cho những thứ lố lăng đó và lạm dụng nó để câu view cho mình. Như thế là “cú đúp” về xấu. Tại sao không đưa cái tốt lên. Thời chúng tôi, bên góc phải trang nhất các báo là gương người tốt việc tốt. Hỏi thanh niên bây giờ tham nhũng, tệ nạn thì có thể kể hàng loạt, hỏi người tốt việc tốt thì ú ớ. Không phải người tốt việc tốt không có người đọc, mà vì ta viết chưa hay nên không có người đọc. Bản chất con người “nhân chi sơ tính bản thiện”.

* Bản thân ông giáo dục con cháu mình điều gì?

- Giáo dục khát vọng sống. Và quan trọng hơn “chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”. Tôi từng đi giảng ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Điều khiến tôi buồn nhất là học sinh bây giờ không có hoài bão. Buồn hơn, khi tôi hỏi thầy cô thì thầy cô cũng ngơ ngác không biết định nghĩa hoài bão là gì và hầu như không có hoài bão. Cái làm con người khác máy tính là khát vọng chứ bây giờ, chỉ cần cái điện thoại di động ta đã có cả một văn phòng di động được cập nhật từng giây từng phút.

* Xin cảm ơn ông với những trao đổi thẳng thắn.

Nguồn: Thế thao Văn hoá
read more

Gia đình - cái nôi và thành trì của thông minh cảm xúc

Ai ai cũng đều bắt đầu đời người trong sự chào đón hân hoan của gia đình và kết thúc cuộc sống, ra đi trong sự khóc thương của gia đình. Yêu thương, đùm bọc, vị tha, những cái đang thiếu trầm trọng ở xã hội hiện đại, chỉ có thể tìm thấy ở gia đình. Trân quí, bảo vệ và phát triển thiết chế nền tảng của xã hội – gia đình là nhiệm vụ thiêng liêng của mỗi cá nhân và của toàn xã hội, tiến sỹ Phan Quốc Việt nói.

“Ai ai cũng có ước mơ giàu sang
Để muốn thay đổi cuộc sống này”

Hai câu đầu của bài hát “Khát vọng thượng lưu” đã chỉ rõ cái ham muốn chính đáng của con người. Nhưng tại sao ít người thành công, hoặc nhiều người thành công rồi không hạnh phúc, thậm chí bất hạnh, đổ bể.

Muốn thành công rõ ràng là phải có năng lực. Chúng ta luôn nói về năng lực con người, đổ ra nhiều tiền của để thảo các nghị quyết và đào tạo để nâng cao năng lực của con người, nhưng ít ai biết năng lực con người gồm những gì? Năng lực con người gồm: kiến thức, kỹ năng và thái độ. Để đầu tư cho phát triển năng lực chúng ta cần biết rõ hơn tầm quan trọng của mỗi cấu thành năng lực.

Thế giới đã nghiên cứu về năng lực của con người hàng nghìn năm nay, nhưng mãi đến năm 1995 Daniel Goleman mới đưa ra khái niệm thông minh cảm xúc (cần nói thêm ở đây sách của ông được dịch ra tiếng Việt, nhưng lại là trí tuệ cảm xúc).

Ông đưa ra một con số làm cả thế giới giật mình, đó là thông minh cảm xúc – EI (Emotional Intelligence) chiếm tới 80% năng lực con người. Thông minh logic, cái mà lâu nay ta tập trung để giáo dục và ca ngợi – IQ chỉ chiếm 20%.

Một đặc điểm nữa là càng cao tuổi, càng có địa vị xã hội quan trọng hơn thì tỉ trọng dùng thông minh cảm xúc càng lấn át thông minh logic. Và cũng thật bất ngờ, ít ai biết rằng cách đây gần 300 năm, một người Việt nam đã định nghĩa rất chính xác về tỷ trọng này, đó là thông minh cảm xúc chiếm 75% sự thành đạt và hạnh phúc của con người. “Chữ tâm kia mới bằng 3 chữ tài”, Nguyễn Du khẳng định.

Ông còn nhấn mạnh thêm “Có tài mà cậy chi tài, chữ Tài liền với chữ Tai một vần”. Trong cuộc sống hiện đại chúng luôn đích mục sở thị bao nhiêu gương đại gia tài ba khuynh gia bại sản, ngồi nhà đá, thậm chí còn bị tử hình. Nguyễn Du xứng đáng là danh nhân văn hóa đã đi trước thời đại hàng trăm năm.

Cái mà cả xã hội quan tâm, xót xa, tranh cãi hàng chục năm nay đấy là cải cách giáo dục, đầu ra của giáo dục, làm thế nào nâng cao năng lực của con người, để Việt Nam “sánh vai với các cường quốc năm châu”. Rõ ràng là phải dịch chuyển từ trọng tâm là nhồi kiến thức sang trọng tâm làm giàu cảm xúc, rèn đức rồi mới luyện tài. Đào tạo con người hồng trước rồi chuyên sau, “tiên học lễ hậu học văn”.

Làm thế nào để dịch chuyển từ con người-học vẹt sang con người-cảm xúc? “Nghèo cũng phải cho thằng Tèo ra thành phố” là sự mong mỏi của bà con nông dân lối xóm tâm sự với nhau. “Nghèo cũng phải cho thằng Tèo đi Tây” - đấy là cái “ý chí” của các gia đình trung lưu ở thành phố. Người ta đã mất hết lòng tin vào nền giáo dục nước nhà. Nhưng ít ai biết rằng cái mất lớn nhất không phải vậy, cái mất lớn nhất là chúng ta không hiểu được cái quan trọng nhất của năng lực con người chính là thông minh cảm xúc. Mà thông minh cảm xúc thì nơi đào tạo chính nhất là gia đình mình, là chính từ những người nai lung ra kiếm tiền để đầu tư cho con đi du học. Cái nguy hiểm hiện nay là chúng ta chỉ lo kiếm tiền rồi khoán trắng cho nhà trường về sinh mệnh của con cái mình.

“Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh”, “Giỏ nhà ai quai nhà nấy”, chúng ta mới hiểu ở sự giống nhau về mặt bề ngoài, hình thức. Nhưng cái quan trọng hơn là giống nhau về tính cách, tình cảm, thái độ, giá trị sống. "Con vua thì lại làm vua, con sãi ở chùa thì quét lá đa" cũng là để chỉ sự kế thừa truyền thống, lối sống, cảm xúc, ý chí của gia đình, dòng tộc, quê hương, sự kế thừa giá trị sống, thái độ sống. “Rau nào, sâu nấy”, cha mẹ mà hư hỏng chắc chắn có bao nhiêu tiền thì cũng chỉ tạo ra những đứa con hỏng hư.

Chúng ta đang lao vào lập công ty, khởi nghiệp, ít ai biết rằng đa số các công ty chết yểu ngay năm đầu tiên, phần lớn phá sản ở giai đoạn 3-5 năm, chỉ một vài phần tram tồn tại quá 10 năm. Chỉ có gia đình, dòng họ, quê hương là trường tồn.

Thế giới càng bấp bênh, kinh tế càng khủng hoảng, cướp, giết, hiếp càng gia tăng thì gia gia đình càng quan trọng. Dù có làm ông nọ, bà kia, dù có tậu xe, tậu nhà cũng chỉ là gia tang cảm xúc. Cái nôi và thành trì của cảm xúc chính là gia đình. “Dân giàu nước mạnh”. Văn hóa gia đình vững mạnh chính là cái nôi và thành trì của văn hóa dân tộc. Văn hóa vững mạnh thì dân tộc trường tồn vĩ đại.


Ts. Phan Quốc Việt
Nguồn (Gia đình Online)
read more

“Nhiều người có văn hóa đang rất… vô văn hóa”

Tiến sĩ Toán lý Phan Quốc Việt (Việt "tròn") đã "bỏ cả kinh doanh, bỏ cả chính trị để đi đào tạo về kỹ năng giao tiếp ứng xử" vì ông thấy đây là phần thiếu nhất ở người Việt Nam. Là người đi đầu trong lĩnh vực này, TS Việt "tròn" có nhiều nhận xét thú vị muốn chia sẻ với độc giả của Đẹp Online.

"Người ta cũng rủ tôi làm scandal để nổi tiếng"

- Dạo này ông có hay theo dõi chuyện thần tượng viết “tâm thư” không? Bức thư các ngôi sao viết, biết là từ “tâm” nhưng mà mắc nhiều lỗi về văn phạm, ứng xử quá thì cũng khiến người khác hơi băn khoăn thật.

- Tôi có theo dõi, nhưng không phải chỉ thần tượng, người nổi tiếng, mà dân mình vốn thế, đây là lỗi chung thôi. Bây giờ bảo công chức viết hai trang tử tế còn khó. Đây là do cái hời hợt của giáo dục, và vấn nạn chung của ngành giáo dục thôi.

- Vậy là lại do…giáo dục, chứ chẳng phải do cá nhân ai?

- Tất nhiên, là do ngành giáo dục chứ. Thêm nữa, các ngôi sao, các thần tượng “được” tâng bốc, “được” châm chước, nên người ta lại càng thiên lệch hơn. Nhưng cơ bản vẫn là do giáo dục, viết chưa xong mà còn bắt người ta học Lev Tolstoi rồi Nguyễn Du..., các thứ.


- Nhưng cũng có nhiều loại nổi tiếng, loại nổi tiếng rồi người ta mới phát hiện ra anh ta thiếu văn hóa, và loại dùng sự thiếu văn hóa để nổi tiếng.

- Là do trào lưu, chính tôi cũng có người đang rủ làm scandal để nổi tiếng đây. Rủ làm cái gì đó ầm lên, chửi nhau đi, tranh luận, công kích nhau đi. Đó là kiểu khác. Nhưng không thể phủ nhận rằng một phần lý do là do lịch sử để lại: trước đây chúng ta không tôn vinh môn văn. Năm nào các bạn đi thi toán về cũng được lên báo cả, vậy mà ai được giải văn tôi không biết. Sách Việt Nam cũng khó mà hay vì nhuận thấp quá, viết là lỗ. 

- Đó là chuyện viết lách, còn cách cư xử thiếu văn hóa nữa…

- Thực tế giao tiếp, ứng xử là thứ cơ bản mà người Việt Nam ít được học, nên cũng không trách được. Đó là cái chung, nhưng người nổi tiếng thì dễ bị chú ý hơn. Nếu Bộ Văn hóa có quy định phải có giấy phép hành nghề, phải được đào tạo, có chuẩn mực riêng thì sẽ khác. Môi trường nào thì thần tượng ấy, đừng đổ lỗi cho họ.

- Nhưng có lẽ một phần nguyên nhân cũng là do dân mình dễ tính quá. Đáng lẽ thần tượng thì phải ở trên cao, nhưng khi họ không được cao mà mình cứ tôn họ lên…

- Vì họ chỉ được như thế thôi, mình phải chấp nhận. Bao giờ người tài chả có tật, miễn đừng lạm dụng quyền “được có tật” là được.

- Thực ra bây giờ có nhiều người nổi tiếng mà chẳng cần hành nghề gì, cũng chẳng có tài gì, chỉ cần nói một câu, đăng một clip, tải một bộ ảnh… cũng thành nổi tiếng. Mà quan trọng hơn, những thứ đó thiếu văn hóa mà lại có ảnh hưởng tới nhiều người.

- Hãy nhớ là bản chất con người thích sự khác biệt. Khác biệt có học khác, mà khác biệt thiếu văn hóa cũng khác. Nếu không khác biệt bằng nghệ thuật, bằng tài năng, bằng chuyên môn thì người ta khác biệt bằng quậy phá để nổi tiếng.


- Ông có nghĩ là ngày xưa cũng thế thôi, nhưng bây giờ có mạng xã hội, có báo chí rộng khắp, nên nhiều thứ được phơi bày ra?

- Không, người xưa chuẩn mực lắm chứ. Không chỉ là người nổi tiếng, mà công chức cũ, anh bộ đội cụ Hồ, công an nhân dân, bác sĩ… đều khác cả. Đây là vấn đề của xã hội. Bây giờ người ta nghĩ về tiền nhiều quá, thanh niên thì ước mơ kiếm được nhiều tiền, người lớn thì lao vào kiếm tiền, nổi tiếng càng có nhiều tiền nên người ta bằng mọi giá phải nổi tiếng. Không thấy chữ “hạnh phúc”, “sống thực sự”, “văn hóa” ở đâu cả. Người ta không làm nghệ thuật, không làm văn hóa mà đó chỉ là công cụ để làm tiền. Đại gia phải là đại gia. Nghệ sĩ cho ra nghệ sĩ. Tôi chả thấy đại gia nào đi hát cả, thế mà rất nhiều nghệ sĩ lại muốn là đại gia. Cái khổ là họ tự biến mình thành dơi, đi với bò sát mình là chim, đi với chim thì khoe mình là bò sát.

- Thực ra, thị hiếu bây giờ là thế nên làm nghệ thuật tử tế cũng khó sống lắm!

- À, đừng có sợ. Tại là anh chưa đủ trình độ chứ. Những nghệ sĩ ngày xưa khác lắm, những Quang Thọ, Lê Dung… hát chuẩn mực, chuyên nghiệp lắm, chứ không như bây giờ, ai cũng là nghệ sĩ được. Đừng nói riêng nghệ sĩ, bác sĩ, kỹ sư hay giáo viên bây giờ cũng vậy thôi, chưa bao giờ người ta thiếu chuyên môn như bây giờ. Được đào tạo bài bản khác lắm, mà thành công bền hơn.
Xuất thân là một tiến sĩ toán, nhưng Phan Quốc Việt lại sáng lập ra Tập đoàn Tâm Việt (có trụ sở đặt tại Hà Nội) chuyên về đào tạo kỹ năng mềm.

- Ý ông nói rất hay. Tôi nhận ra tư duy ăn xổi này không thể đổ lỗi cho người nổi tiếng được thật.

- Đúng thế. Do những người thưởng thức nữa, nếu thấy cái dở mà không bài trừ, lại còn tung hô thì trách ai? Nhưng cũng phải đặt câu hỏi vì sao người ta lại “mê” những thứ ấy. Nếu nghiên cứu về tháp nhu cầu Maslow, thì người ta sẽ hiểu rằng nhu cầu bậc 1 là sinh lý, là ăn uống đã, bậc 2 là an toàn, bậc 3 là có cộng đồng, tức là vào Facebook, lên mạng xã hội,.. bậc 4 là được tôn vinh, bậc 5 là thể hiện. Nếu không được thể hiện bằng đam mê, thì tôi phải thể hiện bằng gầm rú, la hét…

Tôi cũng thế, nếu tôi không đi dạy, không diễn thuyết, thì tôi phải uống rượu, đánh tá lả, vì tôi thích được thể hiện, nhưng bây giờ tôi phải đi “chém gió” cả ngày rồi nên hết năng lượng, chẳng quậy phá được. Tức là phải tạo sân chơi, phải định hướng cho người ta, không cần giải thích, chỉ trích gì, hãy tìm giải pháp đi. Ví dụ, với những người làm nghệ thuật, phải bắt buộc: chứng chỉ hành nghề đâu? Chứng chỉ giao tiếp xã hội cơ bản đâu? Rồi cái người cấp phép cũng phải có văn hóa nữa, chứ ông không có văn hóa mà ông lại muốn cấp chứng chỉ cho người ta thì chết.

- Giải pháp này của ông xem ra… lâu dài quá. Ông có cái nào đổ nước nóng vào là … dùng ngay được không?

- Bắt buộc phải thế, văn hóa là lâu dài mà, không thể ngày một ngày hai được. Văn hóa có quán tính rất lớn, và như thế mới gọi là văn hóa. Ít nhất phải chục năm, trăm năm, chứ không ngay lập tức được. “Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”, văn hóa là con người, phải kiên định và kiên quyết nếu không sẽ là nguy cơ cho dân tộc, cho nhiều thế hệ mai sau.


- Tức là chúng ta sẽ phải trả giá trong một thời gian khá lâu nữa?

- Tất nhiên, chủ quan với văn hóa là không được, và sẽ phải trả giá đắt. Tôi đã phải bỏ toán, lý, bỏ cả kinh doanh, bỏ cả chính trị để đi đào tạo về kỹ năng giao tiếp ứng xử. Vì sao? Vì tôi thấy đây là phần thiếu nhất. Tôi là người đi đầu thì có vất vả, mà tôi cũng chẳng được học từ ai, cứ vừa đi dạy vừa học từ chính mọi người.

- Đối tượng dạy học của ông đã bao giờ là người nổi tiếng hay những người quản lý văn hóa chưa?

- Tôi đi dạy đại biểu Quốc hội rồi, chủ tịch tỉnh rồi… nhưng bên văn hóa thì ít. Nhu cầu về văn hóa ứng xử là rất cao, dùng được mọi lúc mọi nơi, dùng suốt đời được, ứng xử với mọi người được, lại ứng xử với chính mình cũng vẫn được. Càng nhiều tuổi, càng lên chức cao thì càng phải học văn hóa ứng xử.

"Người tốt không làm đến nơi đến chốn bằng bọn xấu" 

- Những thứ như ăn thế nào, mặc thế nào thì có thể dạy nhanh được, chứ còn nói năng thế nào, viết lách thế nào, ý tứ ra sao…

- Như nhau thôi, dạy được hết, chỉ là mất nhiều thời gian hơn thôi. Tôi có dạy về “quản trị nhân hiệu”, muốn có nhân hiệu bắt buộc phải độc đáo, khác biệt, phải nhất quán nhưng quan trọng nhất là phải gia tăng giá trị cho đời. Thường những người nổi tiếng bây giờ chỉ quan tâm 2 điều đầu tiên thôi, họ rất độc đáo và nhất quán nhưng lại quên mất cái gốc là giá trị, nên dẫn tới phản cảm. Văn hóa của đám đông hiện nay thấp, nên người nổi tiếng được làm như thế, chứ có nhiều người phản đối thì mọi chuyện lại khác.

Tuy vậy, nguy hiểm nhất hiện nay lại là những người làm văn hóa và những người cao tuổi có văn hóa đáng lẽ phải lao vào viết, lao vào nói thì họ lại không làm thế, mà chỉ đứng trách móc thôi, theo tôi, họ đang có văn hóa một cách rất… vô văn hóa. Bắt buộc phải nhân rộng cái tốt lên, phải đi dạy, phải viết nhiều hơn, phải làm video nhiều hơn, mà phải video hay. Nếu không có video hay, thì clip bà Tưng tung lên và trở nên nổi tiếng là đúng rồi. Tôi xin nhắc lại, chỉ có cái tốt mới đè bẹp được cái xấu, hàng triệu hành động đẹp mới đè bẹp được hàng triệu lời nói lung tung.

- Nhưng thực tế bây giờ có nhiều chương trình hay mà cũng ít người xem. Cũng giống như ông viết status trên Facebook, ông viết rất tâm huyết mà chẳng có ai like thì ông có viết được suốt hàng năm trời không?

- Không, nhiều người like chứ, người tốt nhiều lắm. Tại sao những cái xấu lại có cộng đồng, còn cái tốt thì không? Vì người tốt đâu có chịu mất tiền để lăng xê. Chị tưởng có những tài khoản Facebook hàng triệu người theo dõi là do tự nhiên à? Người tốt không chịu bỏ tiền, bỏ công, hoặc bỏ không hiệu quả, không làm đến nơi đến chốn bằng bọn xấu (cười).


- Việc này có vẻ xuất phát từ sự tự nguyện nhiều quá.

- Phải tự nguyện chứ. Chị phải có lòng yêu nước, yêu chính mình. Giống như là nếu chị không bắt trộm thì một ngày nào đó trộm sẽ vào nhà chị. Nếu chị không chặn cướp lại thì cướp sẽ tấn công chị. Hiện nay, thứ nguy hiểm nhất là sự bàng quan, ích kỷ.

- Trộm, cướp thì thấy rõ, nhưng bây giờ người ta có vẻ chưa thấy rõ tác hại của thứ văn hóa rẻ tiền cho lắm.

- Như chị thấy, đi đường có vụ tai nạn là người ta xúm vào ngay, chứ thấy bông hoa đẹp chưa chắc người ta đã dừng lại. Đó là nhu cầu bậc thấp của con người, nhưng còn những nhu cầu khác nữa. Tôi vẫn nói “Hiền tài là nguyên khí quốc gia, báo chí là lý trí của quốc gia”. Lý trí mà suốt ngày hở ngực lộ hàng thì chết.

Ngày xưa chúng ta phải đi tìm thông tin, còn bây giờ thông tin đổ ụp vào chúng ta. Nếu không có một lực lượng mạnh, đủ sức xây dựng thông tin tốt đủ nhiều thì thông tin xấu sẽ tràn vào. Và hãy nhớ, nếu cứ làm như cũ mà lại mong kết quả mới thì có mà… điên! Chúng ta không thể ngăn chặn cái xấu, ngăn chặn là một phần thôi, cách duy nhất để phòng thủ là tấn công, cách duy nhất để ngăn chặn cái xấu là nói về cái tốt nhiều hơn, làm việc tốt nhiều hơn.

- Xin cảm ơn ông!

Bài: Linh Hanyi
Ảnh: Tâm Việt Group
(Nguồn: Đẹp Online)
read more

Báu vật dành cho con

Nguyễn Du đã khẳng định: “Chữ tâm kia mới bằng 3 chữ tài”. Khoa học đã chứng minh, thông minh cảm xúc (EI - Emotional Intelligence) chiếm đến 80% vai trò thành công của con người, thông minh logic (IQ) chỉ chiếm 20%... Gia đình chính là cái nôi nuôi dưỡng thông minh cảm xúc.

Ts. Phan Quốc Việt trả lời phỏng vấn báo Gia đình online:

Những nguy cơ của gia đình hiện đại

Gia đình vốn được coi là gốc của xã hội. Vậy trong cuộc sống hiện đại ngày nay, gia đình đóng vai trò như thế nào và tầm quan trọng của gia đình với xã hội như thế nào?

Ai cũng biết gia đình là thiết chế xã hội cơ bản nhất cho sự trưởng thành của mỗi cá nhân cũng như sự phát triển bền vững của xã hội. Gia đình lúc nào cũng vô cùng quan trọng. Chỉ có điều là người ta có đánh giá đúng tầm quan trọng của gia đình hay không thôi.

Vai trò quan trọng nhất của gia đình là giáo dục và hình thành nhân cách cho trẻ em. Từ 0 - 8 tuổi là giai đoạn hình thành tính cách cơ bản nhất của trẻ. Giai đoạn này trẻ chủ yếu sống với gia đình, trong vòng tay ôm ấp của người mẹ. Tờ giấy trắng vẽ dễ, xóa khó. “Vạn sự khởi đầu nan”, “không có cơ hội thứ 2 để gây ấn tượng ban đầu”.

Cách đây hơn 300 năm Nguyễn Du đã khẳng định “chữ tâm kia mới bằng 3 chữ tài”. Ngày nay các nhà khoa học đã khẳng định thông minh cảm xúc (EI - Emotional Intelligence) đóng đến 80% vai trò thành công của con người, thông minh logic (IQ) chỉ chiếm 20% năng lực con người. Không có tình cảm nào có thể lớn hơn, thay thế được tình cảm gia đình cả.

Tuy nhiên hiện nay, xã hội Việt Nam đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng giáo dục. Người ta chạy đua theo lối sống vật chất nên lãng quên đi những giá trị cốt lõi nhất, giá trị tinh thần, tình yêu thương. Các đại gia hiện nay chỉ chú trọng lo cho con một cuộc sống đầy đủ (thậm chí dư thừa) về mặt vật chất nhưng lại quên mất việc phải giáo dục chuẩn mực đạo đức, ứng xử cho con cái. Tất cả trách nhiệm giáo dục con cái trao lại cho nhà trường.

Tam giác vàng trong việc giáo dục nhân cách cho trẻ em là Nhà trường – Gia đình – Xã hội hiện nay đang bị mất cân bằng. Ông cha ta dạy: “Một giọt máu đào hơn ao nước lã”. Tình thân vẫn đáng quý hơn tất thảy. Sức ảnh hưởng của gia đình đến cuộc sống của mỗi con người không gì có thể so sánh được. Chúng ta cần phải nhận thức đúng tầm quan trọng của gia đình để phát huy vai trò của gia đình đối với xã hội.

Thưa tiến sỹ, gia đình hiện nay với gia đình trong quá khứ khác nhau như thế nào? Sự thay đổi này mang tính tích cực hay tiêu cực nhiều hơn?

Tích cực và tiêu cực chỉ là khái niệm tương đối. Ngày xưa, con trẻ tiếp nhận thông tin về thế giới bên ngoài qua ông bà, bố mẹ, anh chị. Ngày nay, do sự phát triển của các phương tiện truyền thông, con trẻ nắm bắt được thông tin về cuộc sống bên ngoài qua rất nhiều kênh: ti vi, điện thoại, máy tính bảng,... Thậm chí, chúng còn nhanh nhạy về mặt thông tin hơn cả bậc cha mẹ. Mặt tích cực của cuộc sống hiện đại là cha mẹ và con cái bình đẳng về mặt thông tin. Tuy nhiên, mặt tiêu cực của nó là con trẻ chưa đủ nhận thức để phân biệt thông tin nào là tốt, thông tin nào là xấu mà học cái xấu bao giờ cũng nhanh hơn học cái tốt.

Một điểm khác biệt nữa của gia đình xưa với gia đình nay là tính kết nối giữa các thành viên trong gia đình. Chính sự phát triển của khoa học công nghệ khiến cho sự kết nối, sự tương tác giữa các thành viên trong gia đình ngày càng ít đi. Lấy ví dụ đơn cử như trong bữa cơm tối chẳng hạn: bố đọc báo trên điện thoại, ông bà xem ti vi, trẻ nhỏ ôm iPad chơi điện tử. Ánh mắt, cử chỉ, nụ cười là nền tảng của cảm xúc, là cái làm cho con người người nhất. Thiếu giao tiếp trực tiếp đồng nghĩa với bóp chết thông minh cảm xúc. Nhiều khi chúng ta ngồi cạnh nhau mà nhắn tin cho nhau chứ chả thèm ngó ngàng đến nhau. Đây cũng là một mặt tiêu cực đáng phải thay đổi của cuộc sống hiện đại.

Tiến sỹ nhận xét như thế nào về văn hóa gia đình Việt Nam hiện nay?

Một số gia đình hiện đã và đang xây dựng văn hóa gia đình rất tốt: vừa dân chủ lại vừa giữ được những giá trị truyền thống tốt đẹp. Trong khi đó, một số gia đình không quan tâm đến việc xây dựng văn hóa gia đình và có xu hướng bị vật chất hóa.

Có những bậc cha mẹ chỉ lao đi kiếm tiền để lo cho cái bề ngoài: học trường quốc tế, quần áo đẹp, xe xịn, điện thoại sang mà quên mất việc giáo dục con cái. “Tiên học lễ, hậu học văn”. Nhà trường hiện nay chỉ tập trung vào mặt đào tạo hơn là giáo dục. Chính vì vậy, trách nhiệm giáo dục lễ nghĩa, cách ứng xử cho con trẻ của gia đình càng quan trọng hơn. Tôi đã từng nói chuyện với rất nhiều trẻ em và thậm chí là các bạn sinh viên và phát hiện ra một sự thật đáng buồn rằng: Giới trẻ Việt Nam hiện nay không hề có ước mơ, hoài bão. Trẻ em học như một cái máy, sinh viên chỉ có mục tiêu mà không có khát vọng. Phát hiện tài năng, vun đắp ước mơ từ khi trẻ còn nhỏ - đó chính là trách nhiệm của gia đình và vấn đề này hiện đang bị quên lãng. Cha mẹ hiên nay chỉ đầu tư cho con học, học càng cao càng tốt, ra trường xin được việc làm là hoàn thành nghĩa vụ.

Một mặt khác, gia đình là một xã hội thu nhỏ. Gia đình có vững thì xã hội mới phát triển. Tuy nhiên, việc định hướng xây dựng gia đình văn hóa hiện nay vẫn rất chung chung và mơ hồ. Chúng ta có danh hiệu “Gia đình văn hóa” nhưng thước đo chuẩn mực của một gia đình văn hóa thì không có. Việc nhân rộng mô hình “gia đình văn hóa” cũng dậm chân tại chỗ.

Mẹ mới là người thầy giỏi nhất...

Tiến sỹ đánh giá thế nào về vai trò của người vợ trong cấu trúc gia đình hiện đại?

Bao giờ cũng thế, gia đình nào cũng thế, người vợ là quan trọng nhất. Người bố, xét về một mặt nào đó có quá nhiều mối quan tâm và không thể nào gần gũi với con bằng người mẹ. Người mẹ đóng vai trò chủ đạo trong việc nuôi dưỡng cũng như nuôi dạy con cái.

Người bố chỉ đóng vai trò định hướng, dẫn dắt con cái còn việc chăm lo, dạy dỗ cho con từ nhỏ đến lớn, quan tâm đến từng vấn đề nhỏ nhất của con phải là người mẹ.Các cụ có câu “Mẹ nói trăm câu không bằng cha đe một tiếng”. Quan điểm này đã cũ. Những người mẹ “vừa kỷ cương, vừa yêu thương” mới là người thầy giỏi nhất.

Trong gia đình tiến sỹ, ai là người quyết định những vấn đề quan trọng? Có bao giờ tiến sỹ và vợ có quan điểm khác nhau về cách dạy con không? Tiến sỹ có thể kể một ví dụ về xung đột thế hệ trong gia đình mình và cách giải quyết?

Những vấn đề định hướng nghề nghiệp do tôi khuyến khích. Thường thì một năm tôi nói chuyện nghiêm túc với con mình một lần, định hướng cho con trong năm nay nên làm gì, phải đạt được gì.Chuyện giáo dục con những cái nhỏ như nết ăn, lời nói, cách ứng xử với những người xung quanh là do vợ tôi đảm nhận.6. Được biết 2 con của tiến sĩ đều được học bổng du học nước ngoài, bí quyết nào?

Như đã nói ở trên, ngay từ nhỏ tôi đã nuôi khát vọng cho các cháu. Báu vật để các cháu mang theo suốt cuộc đời đó là khát vọng sống, hoài bão sống. Khi có khát vọng và hoài bão chúng ta luôn vượt qua mọi thách thức cuộc đời, luôn vươn tới đỉnh cao của hạnh phúc và thành đạt.

Một cái đáng lưu ý là bố mẹ bây giờ chỉ lo vật chất cho các con mà quên mất ý chí. “Có chí thì nên”, “Có chí làm quan, có gan làm giàu”. Nên nhớ rằng vật chất là hữu hình. Hữu hình bao giờ cũng hữu hạn, vô hình mới vô cùng vô tận vô lượng vô biên.

4 chị em nhà tiến sỹ đều đậu đại học, 2 người con trai là tiến sỹ, tại sao con thứ 2 của tiến sỹ lại không tốt nghiệp đại học, phải chăng là không cần kế thừa truyền thống gia đình?

Truyền thống gia đình là vị trí trong xã hội chứ không phải bằng cấp. Thực chất chứ không chỉ hình thức.

Báo điện tử Gia đình Việt Nam tập trung khai thác các khía cạnh của đời sống gia đình. Tiến sỹ đánh giá thế nào về triển vọng của Báo điện tử Gia đình Việt Nam?

Chưa bao giờ vai trò của gia đình lại quan trọng như bây giờ nhất là trong lúc khủng hoảng cả về chính trị và kinh tế. Gia đình là nơi duy nhất giữ cho con người ta niềm tin vào cuộc sống, cũng là nơi mà chúng ta tin tưởng nhất.

Nhận rõ vai trò của gia đình, Hội nghị 9 BCH TW khóa 11 đã đưa việc xây dựng văn hóa gia đình thành một trong 3 trụ cột của xây dựng văn hóa Việt Nam. “Ban Chấp hành Trung ương xác định một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để tiếp tục xây dựng, phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đả bản sắc dân tộc là: xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, trọng tâm là nhân cách, lối sống; tiếp tục xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh, tạo điều kiện cho việc xây dựng nhân cách, lối sống con người; chăm lo xây dựng văn hoá trong chính trị, văn hoá trong kinh tế và văn hoá gia đình. ”Chính vì thế, chúng ta cần một cơ quan truyền thông có sứ mệnh, có định hướng rõ ràng, một kim chỉ nam, một la bàn cho việc xây dựng văn hóa gia đình Việt Nam, thiết chế nền tảng cho sự phát triển của xã hội Việt Nam.

Tôi tin rằng Báo điện tử Gia đình Việt Nam là một cơ quan như vậy. Tôi xin đóng góp một phần nhỏ bé của mình để tờ báo phát triển nhanh hơn, góp phần xứng đáng cho việc xây dựng Văn hóa gia đình Việt Nam – Trụ cột của Văn hóa Việt Nam.

Xin cám ơn tiến sỹ!

(Nguồn: Gia đình Online)
read more

Ông chủ kỳ quái và tham vọng xây dựng Học viện Ý chí Việt

Đó chính là triết lý về kỹ năng sống của Tiến sĩ Phan Quốc Việt, chủ tịch Hội đồng quản trị Tâm Việt Group- chuyên đào tạo kỹ năng sống với mục tiêu “làm tâm người Việt sáng hơn, nâng tầm người Việt cao hơn”… Và trong không khí đất trời rạo rực sức xuân, câu chuyện về kỹ năng sống của tỷ phú “mềm” dường như càng thêm ý nghĩa….

Công ty lạ đời… 

Không ít người ví Phan Quốc Việt thuộc hàng “kiệt nhân” bây giờ. Thế nhưng, ở đời người ta vẫn bảo “lắm tài thì nhiều tật”, điều này có lẽ đúng với ông(?!). Là dân gốc Diễn Châu, Nghệ An – vốn nổi tiếng là đất hiếu học, thủơ nhỏ của Phan Quốc Việt là những cuộc rong chơi, còn chuyện học hành thì khỏi nói – lúc nào cũng thuộc hàng “top ten”. Nhưng cuộc đời của mỗi con người lại có những bước đi thật kì lạ, có mấy ai đã biết mình sẽ rẽ lối nào. Ông cũng vậy, là dân Toán – Lý tu nghiệp ở Liên Xô – một trong những cái nôi của khoa học thế giới, ấy thế nhưng đến bây giờ ông lại trở thành chuyên gia cao cấp giảng dạy, đào tạo về kỹ năng mềm, kỹ năng giao tiếp và ứng xử – một trong những khoa học tinh túy nhất của xã hội loài người. 

Năm 1988, ông về nước và đảm nhận trọng trách Trưởng phòng Tin học tại Liên doanh Dầu khí Việt Xô (VietSovPetro) tại Vũng Tàu. Năm 1993, ông lên chức Phó Chánh văn phòng và chỉ 6 tháng sau là Chánh Văn phòng TCT Dầu khí (nay là Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt nam). Đến năm 1997, ông chuyển sang làm Giám đốc Công ty Dầu khí Hà Nội. Giữa những năm 90, HanoiPetro do ông điều hành là doanh nghiệp duy nhất kinh doanh có lãi trong ngành khí ga ở miền Bắc. Thế nhưng chỉ một thời gian ngắn, ông đùng đùng bỏ chiếc “ghế nóng” mà bao người mơ ước để theo đuổi một ước mơ “hão huyền và ảo tưởng” lúc bấy giờ, đó là mở ra doanh nghiệp dạy kỹ năng sống…
‘Tôi đi ra nước ngoài để học tiến sĩ, nhưng cái mà tôi muốn mang về để phục vụ cho nước nhà không phải là kiến thức cao siêu về Vật lý mà là những kỹ năng sống. Tại sao cũng là người với những bộ óc biết tiếp thu công nghệ hiện đại lại thất bại, không mấy thành công như người nước ngoài? Bởi vì chúng ta thiếu kỹ năng sống, kỹ năng tư duy để nhảy vọt… Kỹ năng sống ở Việt nam chẳng có ai dậy cả, nếu tự học, chắc sẽ học suốt đời… mà đời người thì như bóng câu qua cửa… và tôi đã lập ra Tâm Việt để hội tụ những kỹ năng sống, để sẻ chia, giúp đỡ và cùng gặt hái thành công”- tiến sĩ Phan Quốc Việt cho biết. 

Theo ông, nếu bạn muốn ngắm thung lũng hãy trèo lên đỉnh núi. Nếu bạn muốn ngắm đỉnh núi thì hãy vươn lên mây trời… Bài học cốt lõi của tất cả các bài học mà ông giảng dạy chính là bài học vượt qua sự sợ hãi. Có thể mới đầu bạn thấy rất khó khăn, nhưng sau khi vượt qua nỗi sợ, hàng nghìn người làm được thế và hơn thế.
Những ngày đầu mới thành lập, Tâm Việt phải đi gõ cửa từng doanh nghiệp, từng trường học để xin được dậy. Ngày ấy, tiễn sĩ Phan Quốc Việt còn vào tận trường đại học để xin được đào tạo kỹ năng mềm cho các giảng viên với kỳ vọng các giảng viên sẽ truyền thụ tiếp những kỹ năng đó cho các thế hệ sinh viên. Thế nhưng khi đặt chân đến trường nào tiến sĩ và các cộng sự cũng bị đuổi. Nhiều người còn cho là thần kinh các anh có vấn đề, giảng viên dạy đại học còn dạy cho người khác, các anh lấy tư cách gì mà dậy cho các giảng viên? 

Chào thua với khối giáo dục, Tiến sĩ Phan Quốc Việt lại cùng đồng nghiệp khai thác phân khúc thị trường ở phía doanh nghiệp. “Rất may, ngày ấy doanh nghiệp tư nhân bắt đầu chú trọng đến đào tạo kỹ năng mềm nên Tâm Việt mới có chỗ đứng”- Tiến sĩ Phan Quốc Việt mỉm cười kể lại. 

Những ngày khó khăn ấy nhanh chóng trôi qua, dần dần người Việt bắt đầu chú ý đến những kỹ năng mềm. 

Ông Việt chia sẻ, đến nay Tâm Việt đã tổ chức được hơn 5.000 lớp cho các tổ chức các tỉnh thành, cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước, đặc biệt là cho lớp trẻ. Ở đây, chúng tôi giảng dạy bằng việc kết hợp khát vọng máu lửa của người Mỹ, thâm thuý của người Tàu, tâm linh của người Ấn Độ, bộc trực của người Nga với vốn văn hóa truyền thống linh hoạt, hài hòa của người Việt để tạo nên Tâm Việt “làm tâm người Việt sáng hơn, nâng tầm người Việt cao hơn”. 

Các khách hàng thường xuyên trong lĩnh vực đào tạo của Tâm Việt bao gồm nhiều các tổ chức quốc tế như UNDP, World Bank, RMIT… Các tổ chức trong nước như: Văn phòng Chính phủ, Quốc hội, Ban Tuyên Giáo TƯ, Ban Tổ chức TW… Rất nhiều chương trình ý nghĩa được Tâm Việt phối hợp với VTV xây dựng như: Người xây tổ ấm; Hội nhập quốc tế; Kỹ năng trẻ; Gặp nhau cuối tuần; Chuyện phiếm… để đáp ứng nhu cầu của xã hội về các kỹ năng để hoàn thiện con người.

Ông chủ kỳ quái…!!!


Là công ty nhưng Tâm Việt lại hoạt động giống như một trường học. Là doanh nghiệp nhưng người đứng đầu chủ trương không chạy đua theo “cơn lốc” giá cả, không đi theo bất cứ quỹ đạo kinh tế nào. Người nhiều tiền cũng như người nghèo khó đến đây học kỹ năng sống hạnh phúc hơn, thành công hơn. Công ty đưa ra một quy định bất thành văn, lấy của người giàu chia cho người nghèo theo kiểu…Robin Hood. Người giàu thì học phí tiền triệu, nhưng với sinh viên, trẻ, già, nghèo khó thì chỉ lấy vài trăm, có người học miễn phí. Lạ hơn là, dù áp mức giá chênh lệch nhau đến mấy chục lần nhưng từ trước tới nay lại chưa một ai thắc mắc hay kiện cáo gì cả, cứ răm rắp thực hiện như lẽ đương nhiên phải thế.

Tâm Việt không lớn, không có cỗ máy, không có công nhân, không có những bụi khói cuộn đen trên bầu trời, chỉ thấy một “rừng người” đang hát những bài hát về đất nước, về tình yêu, về tuổi trẻ… Đèn chiếu, nhạc sống, đạo cụ các loại, trông giống như một buổi live show, một chương trình trò chơi trên truyền hình, hay một buổi văn nghệ thanh niên, hơn là một hội thảo, lớp học và chẳng giống gì với một công ty làm ăn kinh tế. 

Nói hơi quá nhưng có lẽ Tiến sĩ Phan Quốc Việt phải là doanh nhân hạng đặc biệt mới phải. Những sản phẩm mà ông bày bán lại là một kho những ý tưởng độc đáo và mới lạ. Cái đó không phải ai cũng mua được, nhưng chắc chắn là ai cũng cần. Mà cần nhất bây giờ là giới lãnh đạo, tri thức, giới kinh doanh và sinh viên mới ra trường… bởi ở ta hiện nay trong trường học không có, hoặc có rất ít các chương trình đào tạo về kỹ năng cho cuộc sống. Mọi kỹ năng có được có chăng chỉ là sự cóp nhặt, tích lũy bằng kinh nghiệm là chính. Do vậy thực sự với Tâm Việt – đào tạo kĩ năng mềm, để phát huy tối đa tiềm năng của con người là việc làm mới mẻ và cần thiết. Ông tâm sự: Thực ra, đối tượng chính yếu tôi hướng đến vẫn là các bạn trẻ. Tham vọng của tôi là xây dựng một Học viện mang tên Ý chí Việt, kiểu như học kỳ quân sự ở các trường hiện nay. Trong tất cả cuộc chiến chống ngoại xâm, thời nào chúng ta cũng có anh hùng. Tuy nhiên, trong lịch sử kinh doanh, chúng ta đang thiếu những anh hùng giữa thời bình. Đặc biệt, càng không thể dùng những chuẩn mực anh hùng của thời chiến để làm thần tượng trong thời bình. 

Tính cách của Phan Quốc Việt thuộc hàng cổ quái, lanh ma,… Nếu không tin, xin cứ đến Tâm Việt mà xem “thầy Việt tròn” dạy. Ông có thể chửi bất kì ai ông ghét, ôm những ai ông thích, biết là rất khó chịu nhưng không ai dám nói cãi vì ông làm đúng. Nếu làm sai, làm chưa tốt thì ông ghét, còn làm tốt, nói hay ông thích mà ông bảo đã thích thì không gì hiệu quả hơn là động viên “trực tiếp”…đó cũng là một chiêu trong nghệ thuật giao tiếp, trong kỹ năng mềm mà Tâm Việt đang đào tạo. 

Một điểm nữa cũng nên được xếp vào dạng “dị”, ấy là cái tính cách “vừa lì lại vừa liều” của ông. Chả thế mà ông chẳng ngán ai bao giờ, kể cả sếp, minh chứng rõ nhất của cái máu ấy chính là mấy lần ông bị đuổi việc không thương tiếc. 

“Ngành nghề kinh doanh” của Tâm Việt không phải nhiều tiền, nhưng cứ nhìn Tâm Việt hôm nay và tương lai rộng mở, tôi hiểu vì sao ông lại tự nhận mình rằng: Tôi là tỷ phú…!!!


Thanh Thanh
(Nguồn: http://phaply.net.vn)
read more

Giúp người khác đi tìm sứ mệnh

Là một người thích trào lộng, đem cả bản thân ra để chế giễu, nhưng mục tiêu mà tiến sĩ Phan Quốc Việt hướng tới khi thành lập Công ty Tâm Việt lại rất đỗi nghiêm trang: “Làm tâm người Việt sáng hơn, nâng tầm người Việt cao hơn”.
Chia sẻ những lênh đênh trong sự nghiệp đời mình, ông nói, trời sinh ra tôi là để giúp người khác đi tìm sứ mệnh.

Hành trình “tôi tìm lại chính tôi”

Dù sớm gặt hái được những thành công khi mới bước vào đời nhưng hóa ra con đường lập nghiệp của tiến sĩ (TS) Phan Quốc Việt lại khá long đong. Ông bảo: “Mẹ tôi sinh tôi ra lần đầu tiên năm 1954, còn tôi lại sinh ra tôi lần hai năm 1998 - khi tôi tìm ra sứ mệnh của chính mình”.

Bao nhiêu người lao vào kiếm tiền rồi khổ sở vì nó trong khi lẽ ra họ phải được sướng trong suốt cả quá trình làm việc nếu họ làm vì sứ mệnh của chính mình.
Xuất thân từ tỉnh lẻ nghèo khó khiến Phan Quốc Việt luôn mang mặc cảm tự ti. Hồi đó ông thích học toán nhưng lại tự cho là mình không đủ khả năng để trở thành một nhà toán học nên ông chọn ngành cơ khí chế tạo máy - một ngành học được cho là thời thượng của thập niên 1970. Được nhà nước cử đi học ngành chế tạo máy dệt ở Tashkent, thủ đô nước Cộng hòa Uzbekistan thuộc Liên bang Xô viết, ông tự thấy rất mãn nguyện. Một năm học dự bị tiếng Nga ở Tashkent, ông sợ bị đuổi về nên cố gắng “cày” tiếng Nga. Vì vậy, dù xuất phát điểm là số 0 (do khi ở quê không được học tiếng Nga như những bạn đồng lứa ở thành phố), cuối năm ông vẫn đạt kết quả xuất sắc. “Hậu quả” là ông bị điều lên học ở ĐH Tổng hợp Lomonoxov, ngành địa vật lý. Cũng vì mặc cảm tự ti nên, sợ mình không xứng với nơi “toàn những người xuất sắc của thế giới” nên đại sứ quán vận động mấy lần Phan Quốc Việt mới dám khăn gói lên Moscow học. Thời gian học ở ĐH Lomonoxop khiến cho Phan Quốc Việt trở nên tự tin hơn. Sau này, khi quay lại Lomonoxop làm nghiên cứu sinh, ông đăng ký hẳn ngành toán lý vì thích “oai”.

Về nước, TS Phan Quốc Việt làm trong ngành dầu khí. Nhưng ông vẫn luôn chịu một nỗi ám ảnh mơ hồ, dường như mình đang sống lưng chừng, chưa đi đến tận cùng, chưa tìm thấy cái tôi đích thực của bản thân. “Tôi là một người thích sáng tạo, lại hoạt ngôn, nên ai cũng nghĩ làm kinh doanh là hợp, làm chính trị cũng được. Ban đầu tôi cũng tưởng vậy. Về sau mới ngộ ra rằng sáng tạo hay hoạt ngôn cũng chỉ là những giá trị cốt lõi của bản thân. Nó giúp tôi làm việc thuận lợi trong một số nghề nhưng nó không giúp tôi nhận ra được sứ mệnh bản thân mình nếu như tôi không suy nghĩ, trăn trở và đi tìm nó”.

Một cơ duyên đã giúp cho TS Phan Quốc Việt tự thấy mình “được sinh ra lần thứ hai”. Ông kể: “Giai đoạn 1997 - 2002 cuộc đời tôi trải qua nhiều biến cố. Đang là Chánh văn phòng Tổng công ty dầu khí Việt Nam, tôi sang Tổng công ty Hồ Tây làm ủy viên Hội đồng quản trị nhưng chỉ ở đó một thời gian ngắn rồi về làm Giám đốc Công ty dầu khí Hà Nội. Sau đó thì tôi ra ngoài mở Công ty Tâm Việt. Bảo là tôi mất chức cũng được. Mẹ tôi khóc. Người đời thì dị nghị tôi bị kỷ luật nọ kia. Nhưng tôi ra đi rất nhẹ nhàng. Tôi thấy mọi cái diễn ra dường như là định mệnh. Đang từ một người được xe hơi đưa đón, tôi chạy hết nơi này sang nơi khác trong thành phố bằng cái xe Chaly. Đó là khi tôi tìm ra sứ mệnh của chính mình: đi dạy học”.

Sướng là quá trình, không phải là đích đến

Sự nghiệp đi dạy của ông bắt đầu bằng một cách khá khốn khổ. Ban đầu ông thuyết phục các bạn trẻ cho ông được dạy họ miễn phí. Khi mà mức độ hài lòng của người học tăng lên, ông mới bắt đầu thu tiền. Tự ông đi dán tờ rơi, phát tờ rơi quảng cáo cho những lớp học kỹ năng mềm của mình. “Khi thấy tôi đi phát tờ rơi, mọi người bảo, ông là TS kiểu gì mà để cho người ta vứt vào sọt rác thế kia? Nhưng tôi kệ. Có lần tôi còn suýt bị đánh do vào hội thảo của người khác để phát tờ rơi. Đến mời người ta học rồi bị đuổi là chuyện thường”, TS Phan Quốc Việt kể.

Cũng trong năm 2000, TS Phan Quốc Việt đã tổ chức dạy được lớp học có thu tiền đầu tiên. Trung tâm Pháp Việt, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho ông mượn một phòng học nhỏ, lớp có khoảng 5 - 7 em sinh viên. Gọi là thu tiền, nhưng mức phí rất thấp, chỉ là thu cho có. Ngay cả bây giờ, khi mà đi dạy cho doanh nghiệp với mức thù lao một buổi cả ngàn USD, TS Phan Quốc Việt cũng chủ trương lấy học phí của SV rất thấp, thậm chí ông sẵn sàng dạy miễn phí. Nhưng đến năm 2001 ông đã có thể lên lớp dạy cho giảng viên, thậm chí là giáo sư các trường ĐH về kỹ năng giảng dạy hiện đại. Sau đó ông mở Công ty Tâm Việt với slogan “Làm tâm người Việt sáng hơn, nâng tầm người Việt cao hơn”. Hơn chục năm dồn tâm trí và công lao cho công ty, Phan Quốc Việt đã đưa Tâm Việt trở thành một trong những công ty đào tạo kỹ năng mềm nổi tiếng bậc nhất cả nước.

“Chỉ có đi dạy tôi mới thực hiện đúng sứ mệnh của mình. Tôi có thể nói trước cả ngàn người mà không cần micro, tôi có thể miệt mài nói giờ này qua giờ khác mà không biết mệt”, TS Phan Quốc Việt chia sẻ. Theo ông, trời sinh ra vạn vật nhưng mỗi cá thể lại được “thượng đế” trao cho một sứ mệnh để phụng sự cuộc đời. Chẳng hạn ghế là để ngồi, cà phê là để nhấm nháp, xoài để ăn, hoa hồng để cắm/làm nước hoa, rau muống để luộc/xào/nấu canh… “Chẳng ai mang quả cà phê để gọt vỏ làm đồ tráng miệng, không ai rang xoài lên để xay rồi pha nước uống, cũng như chẳng ai mang hoa hồng để luộc lên làm rau ăn”, TS Việt ví von.

Nhưng ông không dạy những kiến thức chung chung mà là dạy con người biết đi tìm sứ mệnh của chính họ. Chỉ qua một khóa học hai ngày thôi nhưng ông đã giúp nhiều người học ngộ ra, sực tỉnh khỏi cõi mê.

“Trước khi đến với tôi, nhiều người không hiểu sứ mệnh là gì. Họ nghĩ sứ mệnh của họ là kiếm tiền nuôi con, hoặc kiếm tiền tiêu cho sướng. Người ta nghĩ sướng là mục tiêu, là kết quả mà không hiểu thực ra sướng là một quá trình. Bao nhiêu người lao vào kiếm tiền rồi khổ sở vì nó trong khi lẽ ra họ phải được sướng trong suốt cả quá trình làm việc nếu họ làm vì sứ mệnh của chính mình. Nếu thực hiện đúng sứ mệnh, anh cứ làm việc, những hoa thơm quả ngọt của cuộc đời sẽ tự tìm đến anh”, TS Phan Quốc Việt chia sẻ.


Bài viết bởi: Lê Đăng Ngọc
Nguồn: Thanh Niên online
read more

Cafe với Đặng Lê Nguyên Vũ (báo Diễn đàn Doanh nhân)

(DĐDN) - Tôi gặp lại Đặng Lê Nguyên Vũ sau một thời gian dài. Cuộc hội ngộ diễn ra tại trang trại của Vũ nằm trên vùng sơn cước lộng gió. Tách cà phê Trung Nguyên đen nóng pha phin truyền thống Việt Nam hoàn toàn mê hoặc vị giác và khứu giác tôi. Câu chuyện của chúng tôi bắt khởi trong mùi hương nồng nàn và bầu không khí trầm mặc uy linh tạo nên bởi nghi thức mà Vũ gọi là “Cà phê Đạo”...
Vũ đến với cà phê, ban đầu chỉ nhằm kiếm tiền, giải thoát bản thân và gia đình khỏi cái nghèo. Nhưng càng gắn bó, càng tìm hiểu cà phê, ông càng thấy nó thiêng liêng và huyền bí. Cà phê chuyên chở một triết lý, một tư tưởng sống chứ không chỉ là thức uống cho dạ dày. Cà phê là biểu hiện sinh động cho tri thức, sức sáng tạo. Cà phê đối với vị chủ tịch Trung Nguyên mê đắm, thần tình và đáng ngưỡng vọng như một “Nữ thần Đen - Nữ thần Sáng tạo” đến nỗi mà ông ra cả “tuyên ngôn cà phê” và “học thuyết cà phê” trong đó có phát hiện lớn về sự bất công đối với các nước trồng cà phê. Thậm chí ông còn khởi xướng dự án không thể tin nổi: Thánh địa cà phê toàn cầu. Cùng với đó, ông lại thao thức với công thức thành công cho tất cả cá nhân và quốc gia. Nỗi thao thức đó càng mãnh liệt trong bối cảnh, điều kiện để Việt Nam hội nhập như hiện nay.

Ông là mẫu người đã nói là làm - không “nói cho đã mồm”. Ông không chấp nhận sống chung với sự manh mún, hay hô khẩu hiệu suông. Ông luôn cổ động cho "một Hoài bão, ba Tinh thần". Trong đó, một Hoài bão là: Việt Nam trở thành một quốc gia đi đầu, chinh phục và ảnh hưởng; còn ba Tinh thần là: Chiến binh, Doanh nhân và Sáng tạo. Ông xác định 3 mục tiêu phải làm cho bằng được trong đời người: Toàn cầu hóa Trung Nguyên; Đóng góp vào chiến lược quốc gia cho một Việt Nam hùng mạnh; Theo đuổi Học thuyết Cà phê trên phạm vi toàn cầu.

Mới nghe Đặng Lê Nguyên Vũ nói có lẽ nhiều người “phát ngán”, nhưng nghe kỹ thì thấy hay, càng nghe càng thấy có nhiều thứ có lý. Nghiên cứu lịch sử của nước ta và nhiều nước khác, ông nhận ra rằng, điểm chí tử của các dân tộc ít thành công là văn hóa Thái Âm - thiếu niềm tin lớn, không có khát vọng lớn, không có tư tưởng gây ảnh hưởng, không dám tranh tiên đi đầu. Ông nói, chưa bao giờ thế giới trở nên khó lường như ngày hôm nay với hàng loạt khủng hoảng đan xen toàn cầu về biến đổi khí hậu, kinh tế - tài chính, năng lượng, lương thực, đói nghèo, dịch bệnh, xung đột sắc tộc - tôn giáo, đối đầu chính trị - quân sự, khủng hoảng nhân văn và đạo đức xã hội, hiểm họa khủng bố, vũ khí giết người hàng loạt... Đây là chỉ dấu của khủng hoảng toàn diện, đan xen và trầm trọng, khủng hoảng về hệ giá trị phát triển, ngay cả đối với các quốc gia thành công nhất. Hơn bao giờ hết, toàn thế giới cần phải Tư Duy Lại, Thiết Kế Lại và Vận Hành Lại. Nhân loại có được nền văn minh như ngày nay là nhờ óc sáng tạo, “Không có sáng tạo, không có lịch sử”.

Theo ông, lịch sử loài người được chia làm 3 thời kỳ chính: Sáng tạo để Thích nghi, Sáng tạo vì Lòng tham và giờ đây phải là Sáng tạo có Trách nhiệm. Sáng tạo vì lòng tham và hãnh tiến đã tàn phá thế giới trong mấy trăm năm gần đây. Có 4 cấp độ quốc gia thành công: Thống nhất giữa dân tộc với quốc gia; Trở thành quốc gia độc lập - hùng mạnh; Trở thành quốc gia chủ chốt trong nền văn minh; và một nền văn minh dẫn dắt thế giới. Chúng ta đều đang có vấn đề tại 4 cấp độ này. Muốn đạt được các cấp độ đó, chúng ta cần thấu hiểu mình, hiểu bạn bè, hiểu đối tác và hiểu kẻ thù cũng như hiểu xu hướng chủ lưu của thời đại. Trong đó, quan trọng nhất là ta phải hiểu rõ chân tơ kẽ tóc bản thân mình. Chúng ta có thừa điều kiện để hiện thực hóa. Nhưng muốn làm nên, nhóm nhân lực dẫn dắt Việt thiết yếu cần có cùng khát vọng, tầm nhìn, đồng tâm và quyết tâm cao độ; Tất thảy chúng ta đều phải dốc sức hùng tâm cho các mục tiêu; Chúng ta sẽ thành công nếu lựa chọn đúng chiến lược, có phương pháp đúng, và thực thi thông minh.

Ông cho rằng, nếu là một quốc gia thống nhất thì phải có sự thống nhất giữa quốc gia và dân tộc. Có tinh thần gia tộc và tông tộc thì phải có tinh thần quốc tộc - tức tinh thần quốc dân. Sở dĩ thế giới đang khủng hoảng bởi chưa thoát khỏi cái bóng tư tưởng kinh tế cực đoan cũ của Adam Smith, Keynes, cho đến học thuyết địa chính trị Mackinder, học thuyết biển Mahan; học thuyết quyền mưu đối đầu của Tôn Tử, Clausewitz, Machiavelli; học thuyết cạnh tranh sinh tồn Darwin, thuyết dân số tiêu cực Malthus cũng như các học thuyết mang tính đối kháng về ý thức hệ và các tôn giáo có vũ trụ quan, nhân sinh quan cũ. Những tư tưởng hướng về triệt tiêu này tiếp tục là cội rễ để tạo thành các phân cực đe dọa lẫn nhau. Hơn bao giờ hết, chúng ta cần có niềm tin rằng, toàn thể nhân loại hoàn toàn có thể tạo ra một thế giới hài hòa và cùng phát triển bền vững với những lợi ích mang tính phổ quát và không loại trừ lẫn nhau. Và chìa khóa không gì khác chính là Tinh thần Cà phê thần tình.

“Học thuyết Cà phê” ra đời với hạt nhân là Tinh thần Cà Phê - Sáng tạo có trách nhiệm. Tinh thần Cà phê phát biểu rằng: Mọi người ai cũng có thể thành công; muốn thành công cần có sáng tạo; cà phê kích xúc sáng tạo; nhưng sáng tạo cần có một số điều kiện nền tảng về văn hóa và chính trị. Từ tinh thần nhân bản đó, có thể nói cà phê là năng lượng của nền kinh tế tri thức, kinh tế sáng tạo, kinh tế bền vững, giúp kiến tạo thế giới mới. Có gần 3 tỉ người yêu và đam mê cà phê trên toàn cầu, xuyên tôn giáo, văn hóa, địa lý, thể chế chính trị. Đây là một lực lượng sáng tạo hùng hậu, và nếu họ hướng tới sáng tạo có trách nhiệm thì thế giới sẽ vô cùng tốt đẹp.

Ông nói, hiện nay đang là thời điểm giao thoa giữa nguy cơ ngàn năm và cơ hội ngàn năm mà chúng ta cần thay đổi để chộp lấy cơ hội hội nhập. Một là, toàn bộ thế giới đang rơi vào khủng hoảng chung, và bản chất của cuộc khủng hoảng đó là khủng hoảng tài nguyên thiên nhiên và không gian sinh tồn cho loài người. Hai là, thế giới đang bị chi phối bởi các tư tưởng đối đầu cưc đoan triệt tiêu lẫn nhau. Ba là, tiếp tục có xung đột, tranh chấp đối với các nguồn lực phát triển. Bốn là, loài người vẫn theo quán tính tư duy cũ của nhị nguyên luận dẫn đến phân tranh. Năm là, vấn đề lớn nhất của loài người hiện nay là khủng hoảng niềm tin. Những mối nguy chung đó đáng báo động ở cấp cao nhất. Mục tiêu của ông là rõ ràng và liên hoàn: “Đoàn kết dân tộc – Thống nhất ASEAN – Hội tụ thế giới”. Việt Nam có đầy đủ điều kiện để thực thi chiến lược định vị trung tâm. Đây là thời đại mà các thế lực dịch chuyển trọng tâm từ Tây sang Đông, là cơ hội để ta tiếp xúc trọn vẹn với thế giới. Căn cứ theo thuyết “Chuỗi giá trị” và học thuyết Biên giới mềm, ông cho rằng, những nước nhỏ yếu hay những dân tộc tiêu thụ luôn ở phân khúc thấp nhất trong chuỗi giá trị toàn cầu. “Với những vốn liếng chiến lược dồi dào, chúng ta phải thắng cuộc chiến kinh tế này. Tại sao không!", ông tin tưởng. Mong ước của ông là một Việt Nam hùng mạnh, ảnh hưởng, một Việt Nam có một sứ mạng với thế giới. “Người khác làm được thì ta làm được. Dân tộc khác làm được thì dân tộc ta làm được. Nước khác làm được thì Việt Nam làm được và còn làm tốt hơn”, ông nói thêm: “Khi cùng nhau, không gì là không thể”.

Nếu là một thân hữu của ông, bạn sẽ thấy ông luôn trằn trọc về “một Việt Nam hùng cường, vĩ đại và ảnh hưởng”. Có thời gian ông lui về trang trại, khóa chặt cửa cả năm ròng, đêm đêm làm bạn với cà phê, nghiền ngẫm một lối đi đặc sắc hơn và thông minh hơn cho đất nước, điều đã lấy đi nhiều năng lượng của ông. Ông yêu thích tư duy “dựa lưng vào núi, tiến ra biển cả”. Theo ông, tư duy này là đáng ngẫm nghĩ , đây là một tư duy hệ trọng mang tính chất phát hiện. Hàng nghìn năm qua, dân tộc ta đã tư duy khu trú, vọng nội, cát cứ. Tư duy mở cửa giao thương với thế giới chính là biểu hiện cụ thể nhất của tinh thần chinh phục, khám phá và hướng ngoại cũng như tinh thần trọng thương - điều vắng bóng trong suốt lịch sử dựng nước và giữ nước. Tư duy biển là tư duy thượng tôn thương mại, thượng tôn giao lưu, buôn bán, trao đổi. Tinh thần doanh nhân là chìa khóa của chúng ta. Kinh tế phải là trung tâm của mọi chính sách.

… Nhưng chính những ý tưởng đó dường như đã khiến Đặng Lê Nguyên Vũ trở nên cô độc. Lẽ giản đơn là nhiều người không “cảm” được cái “cá biệt” của vị CEO của Trung Nguyên. Ông cô đơn bởi ông chọn cho mình một lối đi riêng cùng nỗi ưu tư và phương pháp luận không giống ai. Nhưng trong những cơn bão tố búa rìu dư luận, ông vẫn bình thản như… Tinh thần Cà phê.

Dĩ nhiên, ông có những nhược điểm mang tính con người. Nếu bạn là người quá nhạy cảm thì hẳn bạn sẽ khó chịu khi tiếp xúc với ông, có ấn tượng dường như ông quá lạnh lùng. Thậm chí đôi khi ông cực đoạn đến mức kiêu bạt áp đặt cả quan điểm của mình không thèm tính đến phản ứng của người đối diện. Nhưng đó chính là Đặng Lê Nguyên Vũ.

Tôi tiếp xúc với ông ở nhiều góc độ rất đời. Nếu tinh ý bạn sẽ cảm nhận không phải ông là người khô khan mà thực ra ông rất giỏi che giấu cảm xúc. Theo ông, nếu ai cũng lo cho mỗi bản thân, lo kiếm tiền theo kiểu “vinh thân phì gia” thậm chí còn làm nghèo đất nước thì “khác gì loài cầm thú”? Trong cuộc nói chuyện, đôi khi mắt ông quắc lên dữ dội. Ánh mắt ấy, cùng với hình tướng và thần thái bạo liệt của ông, khóa chặt và ám ánh bất kỳ đối phương nào. Những lời nói của ông như toát thẳng từ cõi lòng bộc trực của một người đàn ông khẳng khái, không quen nói lời hoa mỹ.

Và, có lẽ khó khăn lớn nhất khi gặp ông chính là phải chia tay ông. Trong chầu cà phê tiễn chân buổi chiều muộn, ông nhấp một ngụm đắng gắt, rít khói thuốc, đăm chiêu phóng tầm mắt về phía đường chân trời, nơi từ trong mù sương hiển lộ ra dãy núi cao nguyên M’drắk hình yên ngựa hùng vĩ cùng một con đại bàng lẻ loi đang dang cánh dũng mãnh, nhìn ngắm thế gian từ trên đỉnh cao vời vợi. Ông không giấu được vẻ cô đơn buồn bã vì thiếu người sẻ chia.

Gần đây, giới truyền thông thế giới đã thừa nhận CEO Đặng Lê Nguyên Vũ đã có “danh xưng của một ông hoàng” (Reuters), là Vua Cà phê (Forbes, 7/2012). Forbes đã mô tả ông là nhân vật “từ vô danh thành anh hùng”…Học thuyết Cà phê đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt thành của giới tinh hoa trong nước và quốc tế. Đặng Lê Nguyên Vũ đã đi nhiều nơi trên thế giới để quảng bá học thuyết, mô hình phát triển và triết lý quản trị. Trong số những người chia sẻ học thuyết của ông có tên Howard Moskowitz (học giả hàng đầu của Mỹ), GS.Romano Prodi - Cựu Thủ tướng Ý, cựu Chủ tịch UB Châu Âu, GS.Joseph Nye (cha đẻ của Quyền lực mềm, quyền lực thông minh – Mỹ), GS.Stephen Sacca (Học viện MIT, Mỹ), GS.Tom Canon (ĐH Liverpool), GS.Peter Timer (ĐH Harvard), những chủ nhân giải Nobel như GS. Roger B. Myerson (Kinh tế), GS. Douglas D. Osheroff (Vật lý), GS. Harald zur Hausen (Y học), Harold W. Kroto (Sinh hóa)...
TS Phan Quốc Việt
Nguồn: Báo Diễn đàn Doanh nhân (dddn.com.vn)
read more

Trích đoạn phỏng vấn của VOV về kỹ năng sống


read more