Hiển thị các bài đăng có nhãn Gia đình. Hiển thị tất cả bài đăng

Gia đình - cái nôi và thành trì của thông minh cảm xúc

Ai ai cũng đều bắt đầu đời người trong sự chào đón hân hoan của gia đình và kết thúc cuộc sống, ra đi trong sự khóc thương của gia đình. Yêu thương, đùm bọc, vị tha, những cái đang thiếu trầm trọng ở xã hội hiện đại, chỉ có thể tìm thấy ở gia đình. Trân quí, bảo vệ và phát triển thiết chế nền tảng của xã hội – gia đình là nhiệm vụ thiêng liêng của mỗi cá nhân và của toàn xã hội, tiến sỹ Phan Quốc Việt nói.

“Ai ai cũng có ước mơ giàu sang
Để muốn thay đổi cuộc sống này”

Hai câu đầu của bài hát “Khát vọng thượng lưu” đã chỉ rõ cái ham muốn chính đáng của con người. Nhưng tại sao ít người thành công, hoặc nhiều người thành công rồi không hạnh phúc, thậm chí bất hạnh, đổ bể.

Muốn thành công rõ ràng là phải có năng lực. Chúng ta luôn nói về năng lực con người, đổ ra nhiều tiền của để thảo các nghị quyết và đào tạo để nâng cao năng lực của con người, nhưng ít ai biết năng lực con người gồm những gì? Năng lực con người gồm: kiến thức, kỹ năng và thái độ. Để đầu tư cho phát triển năng lực chúng ta cần biết rõ hơn tầm quan trọng của mỗi cấu thành năng lực.

Thế giới đã nghiên cứu về năng lực của con người hàng nghìn năm nay, nhưng mãi đến năm 1995 Daniel Goleman mới đưa ra khái niệm thông minh cảm xúc (cần nói thêm ở đây sách của ông được dịch ra tiếng Việt, nhưng lại là trí tuệ cảm xúc).

Ông đưa ra một con số làm cả thế giới giật mình, đó là thông minh cảm xúc – EI (Emotional Intelligence) chiếm tới 80% năng lực con người. Thông minh logic, cái mà lâu nay ta tập trung để giáo dục và ca ngợi – IQ chỉ chiếm 20%.

Một đặc điểm nữa là càng cao tuổi, càng có địa vị xã hội quan trọng hơn thì tỉ trọng dùng thông minh cảm xúc càng lấn át thông minh logic. Và cũng thật bất ngờ, ít ai biết rằng cách đây gần 300 năm, một người Việt nam đã định nghĩa rất chính xác về tỷ trọng này, đó là thông minh cảm xúc chiếm 75% sự thành đạt và hạnh phúc của con người. “Chữ tâm kia mới bằng 3 chữ tài”, Nguyễn Du khẳng định.

Ông còn nhấn mạnh thêm “Có tài mà cậy chi tài, chữ Tài liền với chữ Tai một vần”. Trong cuộc sống hiện đại chúng luôn đích mục sở thị bao nhiêu gương đại gia tài ba khuynh gia bại sản, ngồi nhà đá, thậm chí còn bị tử hình. Nguyễn Du xứng đáng là danh nhân văn hóa đã đi trước thời đại hàng trăm năm.

Cái mà cả xã hội quan tâm, xót xa, tranh cãi hàng chục năm nay đấy là cải cách giáo dục, đầu ra của giáo dục, làm thế nào nâng cao năng lực của con người, để Việt Nam “sánh vai với các cường quốc năm châu”. Rõ ràng là phải dịch chuyển từ trọng tâm là nhồi kiến thức sang trọng tâm làm giàu cảm xúc, rèn đức rồi mới luyện tài. Đào tạo con người hồng trước rồi chuyên sau, “tiên học lễ hậu học văn”.

Làm thế nào để dịch chuyển từ con người-học vẹt sang con người-cảm xúc? “Nghèo cũng phải cho thằng Tèo ra thành phố” là sự mong mỏi của bà con nông dân lối xóm tâm sự với nhau. “Nghèo cũng phải cho thằng Tèo đi Tây” - đấy là cái “ý chí” của các gia đình trung lưu ở thành phố. Người ta đã mất hết lòng tin vào nền giáo dục nước nhà. Nhưng ít ai biết rằng cái mất lớn nhất không phải vậy, cái mất lớn nhất là chúng ta không hiểu được cái quan trọng nhất của năng lực con người chính là thông minh cảm xúc. Mà thông minh cảm xúc thì nơi đào tạo chính nhất là gia đình mình, là chính từ những người nai lung ra kiếm tiền để đầu tư cho con đi du học. Cái nguy hiểm hiện nay là chúng ta chỉ lo kiếm tiền rồi khoán trắng cho nhà trường về sinh mệnh của con cái mình.

“Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh”, “Giỏ nhà ai quai nhà nấy”, chúng ta mới hiểu ở sự giống nhau về mặt bề ngoài, hình thức. Nhưng cái quan trọng hơn là giống nhau về tính cách, tình cảm, thái độ, giá trị sống. "Con vua thì lại làm vua, con sãi ở chùa thì quét lá đa" cũng là để chỉ sự kế thừa truyền thống, lối sống, cảm xúc, ý chí của gia đình, dòng tộc, quê hương, sự kế thừa giá trị sống, thái độ sống. “Rau nào, sâu nấy”, cha mẹ mà hư hỏng chắc chắn có bao nhiêu tiền thì cũng chỉ tạo ra những đứa con hỏng hư.

Chúng ta đang lao vào lập công ty, khởi nghiệp, ít ai biết rằng đa số các công ty chết yểu ngay năm đầu tiên, phần lớn phá sản ở giai đoạn 3-5 năm, chỉ một vài phần tram tồn tại quá 10 năm. Chỉ có gia đình, dòng họ, quê hương là trường tồn.

Thế giới càng bấp bênh, kinh tế càng khủng hoảng, cướp, giết, hiếp càng gia tăng thì gia gia đình càng quan trọng. Dù có làm ông nọ, bà kia, dù có tậu xe, tậu nhà cũng chỉ là gia tang cảm xúc. Cái nôi và thành trì của cảm xúc chính là gia đình. “Dân giàu nước mạnh”. Văn hóa gia đình vững mạnh chính là cái nôi và thành trì của văn hóa dân tộc. Văn hóa vững mạnh thì dân tộc trường tồn vĩ đại.


Ts. Phan Quốc Việt
Nguồn (Gia đình Online)
read more

Báu vật dành cho con

Nguyễn Du đã khẳng định: “Chữ tâm kia mới bằng 3 chữ tài”. Khoa học đã chứng minh, thông minh cảm xúc (EI - Emotional Intelligence) chiếm đến 80% vai trò thành công của con người, thông minh logic (IQ) chỉ chiếm 20%... Gia đình chính là cái nôi nuôi dưỡng thông minh cảm xúc.

Ts. Phan Quốc Việt trả lời phỏng vấn báo Gia đình online:

Những nguy cơ của gia đình hiện đại

Gia đình vốn được coi là gốc của xã hội. Vậy trong cuộc sống hiện đại ngày nay, gia đình đóng vai trò như thế nào và tầm quan trọng của gia đình với xã hội như thế nào?

Ai cũng biết gia đình là thiết chế xã hội cơ bản nhất cho sự trưởng thành của mỗi cá nhân cũng như sự phát triển bền vững của xã hội. Gia đình lúc nào cũng vô cùng quan trọng. Chỉ có điều là người ta có đánh giá đúng tầm quan trọng của gia đình hay không thôi.

Vai trò quan trọng nhất của gia đình là giáo dục và hình thành nhân cách cho trẻ em. Từ 0 - 8 tuổi là giai đoạn hình thành tính cách cơ bản nhất của trẻ. Giai đoạn này trẻ chủ yếu sống với gia đình, trong vòng tay ôm ấp của người mẹ. Tờ giấy trắng vẽ dễ, xóa khó. “Vạn sự khởi đầu nan”, “không có cơ hội thứ 2 để gây ấn tượng ban đầu”.

Cách đây hơn 300 năm Nguyễn Du đã khẳng định “chữ tâm kia mới bằng 3 chữ tài”. Ngày nay các nhà khoa học đã khẳng định thông minh cảm xúc (EI - Emotional Intelligence) đóng đến 80% vai trò thành công của con người, thông minh logic (IQ) chỉ chiếm 20% năng lực con người. Không có tình cảm nào có thể lớn hơn, thay thế được tình cảm gia đình cả.

Tuy nhiên hiện nay, xã hội Việt Nam đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng giáo dục. Người ta chạy đua theo lối sống vật chất nên lãng quên đi những giá trị cốt lõi nhất, giá trị tinh thần, tình yêu thương. Các đại gia hiện nay chỉ chú trọng lo cho con một cuộc sống đầy đủ (thậm chí dư thừa) về mặt vật chất nhưng lại quên mất việc phải giáo dục chuẩn mực đạo đức, ứng xử cho con cái. Tất cả trách nhiệm giáo dục con cái trao lại cho nhà trường.

Tam giác vàng trong việc giáo dục nhân cách cho trẻ em là Nhà trường – Gia đình – Xã hội hiện nay đang bị mất cân bằng. Ông cha ta dạy: “Một giọt máu đào hơn ao nước lã”. Tình thân vẫn đáng quý hơn tất thảy. Sức ảnh hưởng của gia đình đến cuộc sống của mỗi con người không gì có thể so sánh được. Chúng ta cần phải nhận thức đúng tầm quan trọng của gia đình để phát huy vai trò của gia đình đối với xã hội.

Thưa tiến sỹ, gia đình hiện nay với gia đình trong quá khứ khác nhau như thế nào? Sự thay đổi này mang tính tích cực hay tiêu cực nhiều hơn?

Tích cực và tiêu cực chỉ là khái niệm tương đối. Ngày xưa, con trẻ tiếp nhận thông tin về thế giới bên ngoài qua ông bà, bố mẹ, anh chị. Ngày nay, do sự phát triển của các phương tiện truyền thông, con trẻ nắm bắt được thông tin về cuộc sống bên ngoài qua rất nhiều kênh: ti vi, điện thoại, máy tính bảng,... Thậm chí, chúng còn nhanh nhạy về mặt thông tin hơn cả bậc cha mẹ. Mặt tích cực của cuộc sống hiện đại là cha mẹ và con cái bình đẳng về mặt thông tin. Tuy nhiên, mặt tiêu cực của nó là con trẻ chưa đủ nhận thức để phân biệt thông tin nào là tốt, thông tin nào là xấu mà học cái xấu bao giờ cũng nhanh hơn học cái tốt.

Một điểm khác biệt nữa của gia đình xưa với gia đình nay là tính kết nối giữa các thành viên trong gia đình. Chính sự phát triển của khoa học công nghệ khiến cho sự kết nối, sự tương tác giữa các thành viên trong gia đình ngày càng ít đi. Lấy ví dụ đơn cử như trong bữa cơm tối chẳng hạn: bố đọc báo trên điện thoại, ông bà xem ti vi, trẻ nhỏ ôm iPad chơi điện tử. Ánh mắt, cử chỉ, nụ cười là nền tảng của cảm xúc, là cái làm cho con người người nhất. Thiếu giao tiếp trực tiếp đồng nghĩa với bóp chết thông minh cảm xúc. Nhiều khi chúng ta ngồi cạnh nhau mà nhắn tin cho nhau chứ chả thèm ngó ngàng đến nhau. Đây cũng là một mặt tiêu cực đáng phải thay đổi của cuộc sống hiện đại.

Tiến sỹ nhận xét như thế nào về văn hóa gia đình Việt Nam hiện nay?

Một số gia đình hiện đã và đang xây dựng văn hóa gia đình rất tốt: vừa dân chủ lại vừa giữ được những giá trị truyền thống tốt đẹp. Trong khi đó, một số gia đình không quan tâm đến việc xây dựng văn hóa gia đình và có xu hướng bị vật chất hóa.

Có những bậc cha mẹ chỉ lao đi kiếm tiền để lo cho cái bề ngoài: học trường quốc tế, quần áo đẹp, xe xịn, điện thoại sang mà quên mất việc giáo dục con cái. “Tiên học lễ, hậu học văn”. Nhà trường hiện nay chỉ tập trung vào mặt đào tạo hơn là giáo dục. Chính vì vậy, trách nhiệm giáo dục lễ nghĩa, cách ứng xử cho con trẻ của gia đình càng quan trọng hơn. Tôi đã từng nói chuyện với rất nhiều trẻ em và thậm chí là các bạn sinh viên và phát hiện ra một sự thật đáng buồn rằng: Giới trẻ Việt Nam hiện nay không hề có ước mơ, hoài bão. Trẻ em học như một cái máy, sinh viên chỉ có mục tiêu mà không có khát vọng. Phát hiện tài năng, vun đắp ước mơ từ khi trẻ còn nhỏ - đó chính là trách nhiệm của gia đình và vấn đề này hiện đang bị quên lãng. Cha mẹ hiên nay chỉ đầu tư cho con học, học càng cao càng tốt, ra trường xin được việc làm là hoàn thành nghĩa vụ.

Một mặt khác, gia đình là một xã hội thu nhỏ. Gia đình có vững thì xã hội mới phát triển. Tuy nhiên, việc định hướng xây dựng gia đình văn hóa hiện nay vẫn rất chung chung và mơ hồ. Chúng ta có danh hiệu “Gia đình văn hóa” nhưng thước đo chuẩn mực của một gia đình văn hóa thì không có. Việc nhân rộng mô hình “gia đình văn hóa” cũng dậm chân tại chỗ.

Mẹ mới là người thầy giỏi nhất...

Tiến sỹ đánh giá thế nào về vai trò của người vợ trong cấu trúc gia đình hiện đại?

Bao giờ cũng thế, gia đình nào cũng thế, người vợ là quan trọng nhất. Người bố, xét về một mặt nào đó có quá nhiều mối quan tâm và không thể nào gần gũi với con bằng người mẹ. Người mẹ đóng vai trò chủ đạo trong việc nuôi dưỡng cũng như nuôi dạy con cái.

Người bố chỉ đóng vai trò định hướng, dẫn dắt con cái còn việc chăm lo, dạy dỗ cho con từ nhỏ đến lớn, quan tâm đến từng vấn đề nhỏ nhất của con phải là người mẹ.Các cụ có câu “Mẹ nói trăm câu không bằng cha đe một tiếng”. Quan điểm này đã cũ. Những người mẹ “vừa kỷ cương, vừa yêu thương” mới là người thầy giỏi nhất.

Trong gia đình tiến sỹ, ai là người quyết định những vấn đề quan trọng? Có bao giờ tiến sỹ và vợ có quan điểm khác nhau về cách dạy con không? Tiến sỹ có thể kể một ví dụ về xung đột thế hệ trong gia đình mình và cách giải quyết?

Những vấn đề định hướng nghề nghiệp do tôi khuyến khích. Thường thì một năm tôi nói chuyện nghiêm túc với con mình một lần, định hướng cho con trong năm nay nên làm gì, phải đạt được gì.Chuyện giáo dục con những cái nhỏ như nết ăn, lời nói, cách ứng xử với những người xung quanh là do vợ tôi đảm nhận.6. Được biết 2 con của tiến sĩ đều được học bổng du học nước ngoài, bí quyết nào?

Như đã nói ở trên, ngay từ nhỏ tôi đã nuôi khát vọng cho các cháu. Báu vật để các cháu mang theo suốt cuộc đời đó là khát vọng sống, hoài bão sống. Khi có khát vọng và hoài bão chúng ta luôn vượt qua mọi thách thức cuộc đời, luôn vươn tới đỉnh cao của hạnh phúc và thành đạt.

Một cái đáng lưu ý là bố mẹ bây giờ chỉ lo vật chất cho các con mà quên mất ý chí. “Có chí thì nên”, “Có chí làm quan, có gan làm giàu”. Nên nhớ rằng vật chất là hữu hình. Hữu hình bao giờ cũng hữu hạn, vô hình mới vô cùng vô tận vô lượng vô biên.

4 chị em nhà tiến sỹ đều đậu đại học, 2 người con trai là tiến sỹ, tại sao con thứ 2 của tiến sỹ lại không tốt nghiệp đại học, phải chăng là không cần kế thừa truyền thống gia đình?

Truyền thống gia đình là vị trí trong xã hội chứ không phải bằng cấp. Thực chất chứ không chỉ hình thức.

Báo điện tử Gia đình Việt Nam tập trung khai thác các khía cạnh của đời sống gia đình. Tiến sỹ đánh giá thế nào về triển vọng của Báo điện tử Gia đình Việt Nam?

Chưa bao giờ vai trò của gia đình lại quan trọng như bây giờ nhất là trong lúc khủng hoảng cả về chính trị và kinh tế. Gia đình là nơi duy nhất giữ cho con người ta niềm tin vào cuộc sống, cũng là nơi mà chúng ta tin tưởng nhất.

Nhận rõ vai trò của gia đình, Hội nghị 9 BCH TW khóa 11 đã đưa việc xây dựng văn hóa gia đình thành một trong 3 trụ cột của xây dựng văn hóa Việt Nam. “Ban Chấp hành Trung ương xác định một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để tiếp tục xây dựng, phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đả bản sắc dân tộc là: xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, trọng tâm là nhân cách, lối sống; tiếp tục xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh, tạo điều kiện cho việc xây dựng nhân cách, lối sống con người; chăm lo xây dựng văn hoá trong chính trị, văn hoá trong kinh tế và văn hoá gia đình. ”Chính vì thế, chúng ta cần một cơ quan truyền thông có sứ mệnh, có định hướng rõ ràng, một kim chỉ nam, một la bàn cho việc xây dựng văn hóa gia đình Việt Nam, thiết chế nền tảng cho sự phát triển của xã hội Việt Nam.

Tôi tin rằng Báo điện tử Gia đình Việt Nam là một cơ quan như vậy. Tôi xin đóng góp một phần nhỏ bé của mình để tờ báo phát triển nhanh hơn, góp phần xứng đáng cho việc xây dựng Văn hóa gia đình Việt Nam – Trụ cột của Văn hóa Việt Nam.

Xin cám ơn tiến sỹ!

(Nguồn: Gia đình Online)
read more