Hiển thị các bài đăng có nhãn tiềm thức. Hiển thị tất cả bài đăng

Hành trình tìm kiếm sức mạnh đích thực của thầy Việt tròn



Có những người sống một cuộc đời đầy nhiệt huyết và năng lượng, như những ngọn nến đã đốt lên là tỏa sáng và cháy đến giọt nến cuối cùng. Họ làm được rất nhiều việc có ích cho bản thân, cho gia đình, cho đất nước, cho nhân loại.

Cuộc đời họ trôi nhanh như một giấc mơ. Có những người sống một cuộc đời nhỏ nhoi, mờ nhạt. Họ hầu như không làm được gì có ý nghĩa đáng kể, dù chỉ là cho chính bản thân mình. Cuộc đời họ là một khoảng thời gian kéo dài lê thê, nặng nề, vô tận. Điều gì tạo nên sự khác biệt giữa những con người đó?
Thầy Phan Quốc Việt tại khóa học Bản đồ tới tương lai của Công ty IDT
Hành trình tìm đến với sức mạnh đích thực của người sáng lập kiêm Chủ tịch HĐQT Tâm Việt Group – Tiến sĩ Phan Quốc Việt, người nổi tiếng với biệt danh Việt Tròn, giúp chúng ta cảm nhận được sự tồn tại của nguồn năng lượng luôn ở đỉnh cao trong anh cũng như trong chính mỗi con người chúng ta.

Định hình tính cách

Anh Việt sinh ra ở Diễn Châu, Nghệ An. Bố là bộ đội phục viên, cùng với mẹ anh làm việc ở mỏ Crom Cổ Định, Thanh Hóa, cuộc sống vật chất rất eo hẹp, nhưng có đồng nào là chắt chiu dành cho các con ăn học. Gia đình 4 chị em, hai chị em gái đều là giáo viên trung học phổ thông, hai anh em trai đều bảo vệ tiến sĩ ở Moskva, Liên Xô cũ.
Anh giúp người khác tìm thấy sứ mệnh bằng chính khả năng nổi trội nhất của mình là “hoạt ngôn”.

Được hưởng gene “hoạt ngôn” từ bố, vốn là một chính trị viên có tài ăn nói cùng tư duy logic rành mạch của mẹ - một người không biết chữ, nhưng rất giỏi tính toán, chỉ tính nhẩm, cộng dồn từng ngày mà cuối tháng tính lương cho mọi người trong tổ sản xuất chưa bao giờ sai – với lòng biết ơn bố mẹ đã tần tảo nuôi 4 chị em nên người, anh Việt từ nhỏ đã là một đứa trẻ rất chăm học.

Diễn Quảng là một xã nghèo nhất nhì Diễn Châu, một vùng quê nghèo xứ Nghệ. Cái nghèo đã bám riết người dân nơi đây rất nhiều thế hệ, nếu muốn vươn lên, trong nhận thức của họ khi đó chỉ có con đường duy nhất là HỌC. Tư tưởng này qua nhiều thế hệ cha ông hằn sâu vào trong tiềm thức của anh Việt. Muốn học tốt mà không có điều kiện tốt như các học sinh khác ở thành phố, anh Việt đã phải mày mò, tự học rất nhiều. Ham học và tự học không những trở thành một thói quen, mà còn như một cơn nghiện, nó đã làm nền cho những thành công của anh sau này. Vì sống với bố ở mỏ trong núi không trường lớp nên anh đã phải tự mày mò học theo sự chỉ dẫn của các chú bộ đội phục viên. Khởi đầu sự học của anh đã là một nghị lực đáng kể. Tự học hết chương trình lớp 1 phổ thông, đủ lớn để đi xa anh Việt mới tới trường để học từ lớp 2. Do sự học tập vất vả, đường xá xa xôi, cả chục bạn đồng trang lứa với anh chỉ có 2 người vào học cấp III – PTTH và chỉ một mình anh vào đại học.

Anh nhớ mãi chiều hè, người bố vốn rất vui tính, hài hước chả hiểu sao về đến nhà bần thần cả người, một lúc lâu sau mới có thể báo tin vui anh đã đậu đại học mà còn được đi du học ở Liên Xô. Lần đầu tiên, được đi xa nhà lại là một chuyến đi rất xa và dài, được học tập, tiếp xúc với một dân tộc, một đất nước vĩ đại đã để lại trong anh Việt nhiều dấu ấn khó quên.

Năm học dự bị ở Tashkent, Liên Xô (cũ), với quyết tâm cao độ của một người xứ Nghệ, để có thể học được ở mọi nơi, mọi lúc, anh đã xé từng trang từ điển để bỏ vào túi. Vì vậy, mặc dù chưa được học tiếng Nga (anh học ở Nghệ An, không có thầy cô dạy ngoại ngữ), trình độ thời kỳ đầu thua rất xa nhiều bạn cùng đoàn, nhưng cuối năm anh đã vượt lên trên đạt kết quả học tập xuất sắc. Anh được cử vào học Khoa Địa chất Đại học Tổng hợp Quốc gia Moskva mang tên Lomonosov – một trường đại học danh tiếng, nơi sản sinh ra nhiều thế hệ các nhà khoa học Nga nổi tiếng trên thế giới.

Với tâm lý tự ti của một chàng trai tỉnh lẻ và… sợ. Sợ nếu không học được bị đuổi về nước. Đó thực sự là một nỗi nhục lớn không những cho anh mà còn cho cả gia đình, họ tộc… Chỉ sau khi được đề nghị đến lần thứ ba cùng lời hứa của người phụ trách sinh viên, nếu anh không học được ở Lomonosov, thì được chuyển về Tashkent học, anh mới có đủ can đảm để lên đường nhập học.

Trong thời gian hơn 5 năm học tập ở đây, tinh thần làm việc hết mình của các giáo sư, giảng viên người Nga đã ngấm vào máu của anh Việt. Anh gọi đó là tinh thần phụng sự kiệt xuất. Các giáo sư phần lớn đều rất chuyên tâm vào công việc chuyên môn của họ. Đã làm là phải hết mình và xuất sắc trong lĩnh vực đó. Họ tập trung cao độ đến mức lãng quên những chuẩn mực của cuộc sống xung quanh, khiến người ngoài khi nhìn vào có thể cho rằng họ là những người lập dị, gàn dở.

Thiên nhiên khoáng đạt, hùng vĩ và phì nhiêu đã tạo nên cốt cách của người Nga vừa sâu sắc trong tư duy vừa hồn nhiên, nhân hậu trong cách sống đã ảnh hưởng không nhỏ đến người thanh niên đang trong giai đoạn định hình tính cách. Anh không thể nào quên hình ảnh người giáo sư già dạy sử, bằng tình yêu thương và sự nhiệt huyết của mình, trước kỳ thi chủ động đến tận ký túc xá để phụ đạo thêm cho sinh viên. Chính trong môi trường đó, tính cách nhân hậu, tình yêu con người, yêu cuộc sống, dấn thân phụng sự kiệt xuất được phát triển và trở thành giá trị cốt lõi của anh Việt.

Tại Lomonosov, anh đã học miệt mài, đi học từ sáng sớm, chiều ở lại thư viện học đến 8h tối rồi lại về phòng đọc ký túc học tiếp đến tận 12 giờ đêm. Trong hai năm đầu, anh là sinh viên rất giỏi, được bạn bè thầy cô giáo tặng cho biệt danh “Giáo sư”. Nhiều sinh viên cùng khóa không hiểu bài hỏi thầy/cô của mình, các giảng viên còn nói đùa: “Tôi chỉ là phó giáo sư thôi, các anh/chị hãy hỏi“giáo sư Việt” của mình!”.

Khi đã tự tin đứng vững ở môi trường mới, nỗi sợ học không giỏi sẽ bị đuổi về nước từng hút toàn bộ năng lượng, nhiệt huyết của chàng thanh niên mới lớn nay đã lơi lỏng, anh Việt bắt đầu rơi vào khủng khoảng tâm lý. Học kỳ 1 năm thứ 3 anh đã bị điểm kém đầu tiên. Các câu hỏi liên tiếp hiện ra trong đầu anh. “Học để làm gì?”, “Giỏi để làm gì?”. “Đâu là ý nghĩa thực sự của cuộc sống?”. Thậm chí, có lúc chán chường anh đã muốn tự tử.… Đây là vấn đề mà tất cả thanh niên gặp phải khi không được giáo dục về sứ mệnh, hoài bão từ sớm, nhất là khi đời sống vật chất khá dư giả, không phải bươn trải để kiếm ăn. Và sau nhiều trăn trở, tưởng chừng như anh Việt đã tìm được lời giải đáp cho mình: “Học giỏi để làm quan!” – một câu trả lời rất logic với nền văn hóa Việt Nam mà anh đã được hấp thụ từ nhỏ!

Sai mệnh trời

Về nước, vì tốt nghiệp trường nổi tiếng ở Liên Xô, anh Việt được phân công làm việc ở Viện Địa chất Khoáng sản Hà Nội. Với máu lãng tử thích phiêu liêu của người xứ Nghệ anh đã mất 1 năm trời để xin được bỏ ước mơ “hộ khẩu Hà Nội đời đời ấm no” của bao người để chuyển sang ngành dầu khí, có trụ sở ở Hưng Yên và luôn phải đi công tác xa.

Năm 1984 anh đã quay lại trường cũ làm nghiên cứu sinh. Mặc dù tốt nghiệp khoa địa chất, anh vẫn cố gắng chạy theo mốt thời thượng thời bấy giờ, xin làm nghiên cứu sinh Toán-Lý, mày mò tự học lập trình và bảo vệ thành công luận án tiến sĩ Toán-Lý năm 1988.

Con đường quan lộ của anh kéo dài trong vòng 14 năm, từ 1988-2002, anh Việt đã trải qua rất nhiều trọng trách quan trọng như: Phó trưởng phòng Tin học Liên doanh Dầu khí Việt Xô (VietSovPetro) tại Vũng Tàu - Trưởng phòng Marketing Công ty FPT Phó chánh văn phòng, Chủ tịch HĐQT liên doanh PetroTower, rồi Chánh Văn phòng Tổng Công ty Dầu khí (nay là Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam); Giám đốc Công ty Dầu khí Hà Nội Là một cán bộ được bổ nhiệm ở tuổi rất trẻ. Ở đỉnh cao của sự nghiệp “làm quan”, anh từng mơ mình trở thành thủ tướng Việt Nam… Tuy nhiên, mệnh trời mỗi người một nghiệp, mặc dù rất có năng lực, nhưng mỗi lần làm cố vươn lên theo đường quan chức là một lần anh bị cách chức.
Với cái máu "thẳng ruột ngựa", sau ba lần chứng minh sếp sai anh đã bị cách chức

Anh tâm sự, cả ba lần bị mất chức đều có nguyên nhân chung là tư duy logic “đúng-sai” của người tiến sĩ toán lý cộng với máu “thẳng ruột ngựa” của dân xứ Nghệ - thích cho người khác bài học. Sau ba lần chứng minh sếp sai anh đều bị cách chức. “Thực ra, cái sai lớn nhất của sếp là đã tuyển dụng tôi”, - anh Việt nói với một nụ cười hóm hỉnh. “Chung quy cũng là do mình thiếu kỹ năng mềm, sai nhất là chứng minh người khác sai, ngu hơn là chứng minh sếp ngu”, - anh khẳng định.

Ở tuổi 49, do cơ duyên dẫn dắt, anh Việt theo học một khóa tự lãnh đạo bản thân tại Ấn Độ và lần đầu tiên trong đời, anh “ngộ” ra sứ mệnh của mình là: GIÚP NGƯỜI KHÁC TÌM THẤY SỨ MỆNH bằng chính khả năng nổi trội nhất của mình là “hoạt ngôn”. Đối với anh, lần cách chức thứ ba, chính là điều linh ứng cho lời cầu nguyện của mình. Anh kể, trước khi việc này xảy ra anh đã tới một số chùa ở Ấn Độ và Đà Lạt để xin Trời Phật cho được đi dạy.

Năm 2001, anh Việt chính thức rời bỏ giấc mơ làm quan để thành lập công ty chuyên đào tạo kỹ năng sống mang tên Tâm Việt. Với slogan “Làm tâm người Việt sáng hơn, nâng tầm người Việt cao hơn”, Tâm Việt đang gắng sức tạo lập một trường phái giáo dục giúp con người khai sáng tiềm năng và khẳng định tài năng để sống hạnh phúc và thành đạt.

Trở về nguồn

Anh Việt chia sẻ, thời gian xây dựng và sống với Tâm Việt là những năm tháng tuyệt vời nhất của cuộc đời anh. Trong suốt 10 năm qua, Tâm Việt đã đào tạo hàng chục nghìn người khắp cả nước. Tâm Việt đào tạo từ kỹ năng lãnh đạo và văn hóa doanh nghiệp cho các tập đoàn lớn như PetroVietnam, Bưu chính Viễn thông... đến kỹ năng lắng nghe cho các cháu phổ thông cơ sở, ... từ kỹ năng giảng dạy hiện đại cho các giáo sư ở Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đến kỹ năng sinh tồn cho các cháu ở vùng quê hẻo lánh; từ tinh thần đồng đội cho các tập đoàn quốc tế như Canon, Honda,... đến kỹ năng giao tiếp cho người khuyết tật.
Với tinh thần phụng sự hết mình nguồn năng lượng trong anh như nồi cơm Thạch Sanh, không bao giờ cạn

Đặc biệt Tâm Việt đã đào tạo được một thế hệ giảng viên kỹ năng mềm cho nhiều trường học và trung tâm đào tạo. Trong suốt 10 năm qua, đã nhiều người đến rồi rời khỏi Tâm Việt, nhưng có lẽ đâu đó trong tâm hồn họ vẫn không thể nào quên người thày có phần “thô lỗ” với trái tim tròn đầy nhiệt huyết và yêu thương. Họ có thể không đồng tình với thày về điểm này, điểm kia, nhưng chắc chắc khi rời xa Tâm Việt, một góc hồn nào đó của Tâm Việt vĩnh viễn trở thành một phần trong chính con người họ.

Chục năm làm việc không lương, để vợ con tự nuôi nhau, tất cả tiền kiếm ra anh đều dành hết để phát triển Tâm Việt, có những tháng chi tiêu cho cả công ty lên tới bốn, năm trăm triệu VND. Đến với Tâm Việt, bạn có thể liên tưởng đến mô hình một đại học nhân dân. Một công ty không lọc đầu vào, bất cứ ai có mong muốn đều có thể đến sinh hoạt cùng Tâm Việt, họ được đào tạo cho tới khi đủ khả năng trở thành một “mục sư” có thể đi giảng cho người đến sau những kỹ năng mềm mà người Việt còn rất thiếu. Cùng một khóa học và chất lượng giảng dạy, nhưng giá thu lại phụ thuộc vào khả năng tài chính của người học.

Tâm Việt đã giúp cho không chỉ anh Việt mà còn nhiều người khác được thể hiện và cống hiến bằng năng lực và thế mạnh thực sự của mình. Với phương châm muốn dạy giỏi, phải học giỏi, anh không bao giờ bằng lòng với những gì mình đang có mà luôn miệt mài học tập ở khắp nơi, học những người giỏi nhất để bổ sung thêm kiến thức và kỹ năng sống cho mình.

Với phương châm “Tây – Ta – Tôi” (học của Tây, kết hợp với văn hóa Việt Nam ta và bản sắc riêng của tôi) hầu hết những giáo trình giảng dạy ở Tâm Việt đều do anh Việt Tròn xây dựng và phát triển. Không chỉ có vậy, anh còn phát triển hệ thống triết lý của riêng Tâm Việt, với những câu vừa đơn giản, xúc tích, gần gũi, dễ đọc dễ nhớ và dễ đi vào lòng người như: Hiến tài – Hái tiền; Phụng sự - Hưởng thụ; Không cụ thể là cụ không thể; Dở dang là dở hơi; Nửa vời là tàn đời;…

Với tinh thần phụng sự hết mình, nguồn năng lượng trong anh như nồi cơm Thạch Sanh, không bao giờ cạn, anh có thể đứng lớp từ sáng đến trưa, từ trưa đến chiều và từ chiều đến tối, và chỉ cần sau một giấc ngủ sâu, ngày mới lại bắt đầu với vòng tuần hoàn y như vậy. Anh làm việc quên thứ Bảy, Chủ Nhật. Ngày nào cũng như ngày nào, anh rời khỏi nhà từ 7h sáng và không về sớm hơn 9h tối.

Thật ít ai ngờ, từ một quan chức nhà nước “oai vệ” có xe ôtô xịn đưa đón với hai trợ lý đi kèm, ở tuổi 50 anh Việt tái sinh làm một con người mới, làm thầy Việt Tròn với chiếc xe Chaly cà tàng đi dán tờ rơi khắp các trường đại học để chiêu sinh, khiến không ít bạn bè nhìn anh với con mắt ái ngại. Đặc biệt, mẹ anh rất buồn, khi “niềm tự hào” của cả hai họ lại phải khởi nghiệp lại từ đầu vào “tuổi ngũ thập tri thiên mệnh”. Có người bạn nhìn thấy anh Việt dắt chiếc xe Chaly vào bãi gửi xe đã buột miệng thốt lên: “Sao anh khổ thế”. Khi đó anh đã trả lời rất thật: “Tôi chỉ vất vả chứ không khổ”. Và khi vào lớp, người bạn kia trở thành học viên trong lớp học mà thầy Việt Tròn đứng giảng.

Có người nói, bản lĩnh này có được từ sự ngang tàng của người dân xứ Nghệ. Nhưng có lẽ, ở tầng sâu hơn nữa, thông qua niềm đam mê, bản thể cá nhân anh đã kết nối được với thế giới bên ngoài để trở thành một bộ phận hợp nhất với vũ trụ. Anh đã trở về nguồn và sống toàn vẹn với sự mách bảo của con tim. Con đường của trái tim là con đường của thông minh cảm xúc, của lòng dũng cảm, của sự đam mê! Chính điều này đã lý giải cảm xúc tuyệt vời của anh từ khi có Tâm Việt. Vì chỉ từ lúc này đây, anh mới thực sự sống, sống hồn nhiên, sống sinh động với năng lượng tuôn chảy như cuộc sống vốn là như thế! Mỗi người chúng ta sinh ra đều là một mảnh ghép của vũ trụ. Khi làm đúng bản mệnh, sống đúng với lẽ sống, nguồn năng lượng mãnh liệt trong con người được kích hoạt và được kết nối với vũ trụ, với nguồn năng lượng vô tận vô biên của thiên nhiên, luôn được vũ trụ bổ sung, đáp ứng để hoàn thành thiên mệnh làm cho xã hội đẹp hơn, vũ trụ hoàn mĩ hơn.

Việt Tròn chờ… duyên

Sau 10 năm phát triển, niềm tự hào nhất của Tâm Việt là đã đào tạo được một đội ngũ hàng trăm giảng viên trên khắp đất nước. Hàng năm, tới ngày sinh nhật Tâm Việt, những người con của Tâm Việt từ khắp nơi tụ họp về rất đông. Hầu hết mọi người khi đến với Tâm Việt đều không dính líu gì đến nghề sư phạm, chỉ vì cảm mến sứ mệnh trồng người mà dấn thân. Hiện nay, rất nhiều người, không còn làm ở Tâm Việt nữa, nhưng vẫn sống với nghề đào tạo kỹ năng mềm, kỹ năng sống. Tỷ lệ này gần như là 100%. Sứ mệnh “Làm tâm người Việt sáng hơn, Nâng tầm người Việt cao hơn” đã phần nào được hiện thực hóa thông qua họ.

Là tổ chức đầu tiên ở Việt Nam chuyên tâm đào tạo kỹ năng sống, tới giai đoạn này, anh Việt đang cùng các đồng nghiệp Tâm Việt dày công khổ luyện để dịch chuyển lên tầm cao mới, đi đầu trong một lĩnh vực mới – đi sâu vào vùng tiềm thức để khám phá và phát triển năng lực của con người.

Tài sản con người gồm: tiền của, quan hệ và năng lực. Trong 3 tài sản ấy thì năng lực là quan trọng nhất. Năng lực là cái còn thiếu khi ta có tất cả, là cái còn lại khi ta mất hết. Năng lực con người lại gồm: kiến thức, kỹ năng và thái độ. Thái độ là quan trọng nhất. Trong đó ý chí là đỉnh cao của thái độ: “Gạo tiền bao nhiêu tiêu cũng hết, ý chí kiên cường mỏ kim cương”. Nhà cửa, tiền bạc là hữu hình, hữu hình là hữu hạn. Năng lực là vô hình. Vô hình nhất là tâm. Hữu hình là hữu hạn, vô hình là vô cùng, vô tận, vô lượng, vô biên.
Để có tâm mạnh mẽ thì cái gốc là phải Phụng sự vô tư. Vật chất không phải là mục đích mà là hệ quả của phụng sự.
Anh cho biết, muốn phát triển từng yếu tố một của năng lực phải tách nó ra và dùng con mắt biện chứng của khoa học để phân tích. Nhưng muốn nó trường tồn, mạnh mẽ lại phải nhập cả ba lại, ba yếu tố đồng nhất thành một thể thống nhất. Chính sự hòa quyện nhuần nhuyễn ba yếu tố này ở tầng vô thức mới có thể tạo ra sức mạnh thực sự cho con người. Và khi có năng lực, thì mức độ năng lượng trong mỗi con người sẽ quyết định quy mô và mức độ thành đạt, hạnh phúc của họ. Chính vì vậy, nắm chắc nghệ thuật kích hoạt năng lực xuất sắc và duy trì quĩ đạo năng lượng đỉnh cao trong cuộc sống là bí quyết của hạnh phúc, thành đạt, giàu sang, vinh quang.

Để có tâm mạnh mẽ thì cái gốc là phải Phụng sự vô tư. Vật chất không phải là mục đích mà là hệ quả của phụng sự. Khi bạn hiến dâng vô tư sẽ được vũ trụ ban thưởng. Khi lấy vật chất làm mục đích, bạn sẽ không thể phụng sự vô tư và đang tự hạn chế năng lực của chính mình. Sứ mệnh “phụng sự cuộc sống, phụng sự con người” là điều cần được giáo dục và nuôi dưỡng cho trẻ từ rất sớm. Phụng sự mọi nơi, mọi lúc là con đường để mỗi cá nhân có thể phát triển toàn diện và nhân bản nhất. Đây là quá trình phát triển về chiều sâu, là con đường hợp nhất vô thức ba yếu tố của năng lực.

Anh tâm sự, trước đây anh quan niệm nghèo là nhục, nhưng giàu chưa chắc đã sướng. Cùng với thời gian, quan niệm này của anh đã thay đổi. Thực chất tiền bạc giống như kính lúp phóng đại tất cả các phẩm chất cá nhân của một con người. Nếu bạn có đầy đủ các phẩm chất tốt, thì nhờ vào của cải vật chất, quy mô những điều có ích cho bản thân, gia đình và xã hội mà bạn có thể làm được sẽ lớn hơn nhiều.

Thực chất quan niệm giàu chưa chắc sướng phản ánh nỗi sợ thẳm sâu của con người rằng tiền bạc có thể khuếch đại một số mần tính cách xấu nào đó trong họ. Ví dụ về điều này có thể nhìn thấy đầy rẫy trong xã hội đương đại. Khi chân tướng của nỗi sợ được soi sáng, thì sẽ không còn nỗi sợ. Anh Việt khẳng định, cần phải làm giàu và đưa văn hóa làm giàu vào đất nước. Và thông qua con đường phụng sự xuất sắc, giàu sang sẽ đến với bạn trong vinh quang. “Tôi sẽ để ra 20 năm để tạo dựng văn hóa phụng sự kiệt xuất, giàu sang vinh quang cho người Việt, tạo dựng nhân cách Việt, khí phách trẻ, hào khí Việt hùng cường”, - thầy Việt Tròn khẳng định khi bước vào tuổi 59.

Anh thừa nhận, mặc dù là người có khả năng kinh doanh rất tốt, nhưng niềm say mê của anh là nghiên cứu, làm giáo trình và đi dạy và truyền bá tư tưởng. Mảng thứ nhất của Tâm Việt nhiều năm qua vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Sau 10 năm phát triển, mặc dù, Tâm Việt rất có tiếng nhưng chưa thể nâng được quy mô và phát triển mạnh mẽ vì thiếu người chuyên tâm vào việc hoạch định và quản lý tài chính. Anh lạc quan cho biết, chẳng qua là duyên chưa tới, bạn chưa thực sự sẵn sàng. Khi bạn sẵn sàng thì trời xui đất khiến, duyên sẽ tụ và người đồng hành sẽ xuất hiện.
Nguồn: hoclamgiau.vn
read more