KHÁT VỌNG TỪ TRONG - THÈM KHÁT TỪ NGOÀI

Ts. Tâm Việt: Cả hai đều sống mãnh liệt, làm việc hết mình, quên ngày quên tháng, nhiều khi quên cả bản thân… Cả hai cùng đạt được kỳ tích, đều được người đời nhắc đến với những lời cảm thán bất hủ. Một sống bằng khát vọng từ bên trong, khát vọng dâng hiến tài năng để gia tăng giá trị cho đời. Một sống bằng thèm khát tiền tài danh vọng từ bên ngoài, bằng mọi giá chiếm đoạt cho mình để thỏa cơn khát. Bạn ủng hộ ai, bạn là chính người đó.

Ngày xửa ngày xưa, một con sói sống ở sa mạc, sau những trận chiến sống còn để dành dật sự sống, với thương tích đầy người, sau nhiều ngày lê lết trên đường để tìm nguồn nước đã đến được ven bờ của một con suối. Con sói toan vục mặt xuống để uống nước, bỗng nó nhìn thấy dưới suối có một hình thù kỳ dị, lông lá dựng ngược, xác xơ, mắt trợn lên và răng nhe ra gầm gừ. Nó sợ quá vụt lùi lại bỏ đi. Nhưng vì khát quá, nó quay lại dòng suối mong rằng con vật kinh khủng kia đã đi rồi. Không ngờ, lần này, con vật kia nhìn còn kinh khủng hơn, vẫn lù lù dưới suối. Một lần nữa, nó giật lùi bỏ đi. Lần thứ ba, nó quay lại, đã quá khát, dung sức lực cuối cùng nó lao thẳng xuống dòng suối. Cái bóng kinh khủng tan biến và nó đã thỏa mãn khát vọng!
Cũng ở dòng suối đó, một người lái buôn trong chuyến đi dài của mình, vì sợ quãng đường tiếp theo sẽ thiếu nước nên mặc dù ông vừa cho ngựa ăn và uống no nê ở ngôi nhà gần đó, ông vẫn dắt chú ngựa đến dòng suối để nó uống thêm nước dự trữ. Chú ngựa ngoan ngoãn theo ông đến dòng suối, nhưng khi ông dí đầu chú ngựa xuống suối để chú uống nước thì chú hất tay của ông đi và nhất định không uống. Ông càng cố dí đầu chú xuống, chú càng vùng vằng hất tay ông mạnh hơn. Ông chủ đành đầu hàng.
Sao lại thế? Tại sao lại thế? Thật đơn giản, đó là vì “cơn khát” của con sói từ bên trong nó ra còn “cơn khát” của chú ngựa bị áp đặt từ ngoài vào. “Bạn chỉ có thể dắt con ngựa ra bờ suối chứ không thể bắt nó uống nước”. Khi những thèm khát, ham muốn không từ trong ra mà bị áp đặt từ ngoài vào thì rất khó thành công và nếu làm được thì thành quả đạt được cũng không đáng kể. Quan trọng hơn, con người khi đó sẽ làm việc một cách rất khổ sở và không bao giờ có hạnh phúc.
“Mục đích của cuộc sống là sống có mục đích”. Con người cũng như mọi sinh linh khác, khi sinh ra trên đời đã có một mục đích, một sứ mệnh, một thiên mệnh, một định mệnh. Ta thực sự hạnh phúc và đạt được thành quả tối đa khi và chỉ khi ta thuận theo gen bố mẹ, ông bà và tổ tiên đã gieo trong ta, nghĩa là thuận theo tự nhiên nhiên, thuận theo đất trời. Luật nhân quả dạy ta rằng: Nhân nào quả ấy. Gieo gì gặt nấy. Người là nhân. Cái nhân, cái cốt lõi tinh tú nhất, mầm sống, thiên mệnh đã gieo trong ta là gì thì phải ra hoa kết quả đúng với nó. Lẽ đương nhiên, mầm bưởi phải ra quả bưởi, mầm xoài phải ra quả xoài… Nếu ta chỉ vì cái lợi trước mắt, vì muốn mau chóng có tiền sẵn sàng làm bất cứ cái gì miễn là có tiền. Ta quên mất gốc bẩm sinh, khác gì cuộc sống tầm gửi, lai ghép, ký sinh. Sự sống không theo mục đích từ tự nhiên sẽ không được tiếp tục sinh sôi mãnh liệt, không được truyền kiếp và vô phúc. Nhân văn nhất là sống đúng với nhân bản với cái mục đích cội nguồn của mình. Sống không theo nhân bản, không theo thiên mệnh là bất nhân.
Hàn Quốc hiện là nền kinh tế lớn thứ 12 trên thế giới. Một nơi mà ta có thể lướt Internet trên xe điện ngầm, khiêu vũ ở một câu lạc bộ salsa và mua một ly cà phê sữa thơm ngon trên đường đi làm không cần phải ra khỏi xe. Thế nhưng người dân ở đây dường như ít hạnh phúc hơn so với những năm tháng đói khổ sau Chiến tranh Triều Tiên. Ngày ngày, họ ganh đua vươn tới tiền bạc và danh vọng, áp lực lớn đó đã kéo dài triền miên nhiều năm nay. Vậy nếu tiền bạc và danh vọng thực sự giúp con người hạnh phúc thì lý do gì khiến hàng loạt các ngôi sao điện ảnh Hàn Quốc thi nhau tự tử. Theo chính phủ Hàn Quốc, hiện nay có tới hơn 40 người dân nước này tự tử mỗi ngày - nhiều gấp 5 lần so với thời cha mẹ họ. Tại sao nạn tự tử lại tăng nhanh như vậy ở một nước đang ngày càng giàu hơn, có uy thế hơn so với bất kỳ thời điểm nào khác trong lịch sử của họ?
Chúng ta được dạy là “cứ đam mê đi rồi mọi thứ sẽ đến”, nhưng không ai dạy ta làm thế nào để đam mê. Bạn đam mê bền bỉ và mãnh liệt khi và chỉ khi bạn sống với khát vọng từ bên trong, khát vọng phụng sự, khát vọng được thể hiện tài năng để gia tăng giá trị cho đời. Nếu bạn sống bằng thèm khát từ bên ngoài thì sẽ trở thành một con nghiện. mọi con nghiện đều ngày một nghiện ngập nặng hơn.
Chúng ta như những con thiêu thân, dễ dàng sa ngã vào những chiếc bẫy của đời thường, lao vào làm việc ngày một nhiều hơn nhằm leo lên bậc cao nhất của chiếc thang danh vọng, tiền tài. Khi đến đỉnh của danh vọng, từ trên cao ta bỗng dật mình phát hiện ra rằng chiếc thang bắc nhầm bức tường. Hẫng hụt!
Hơn nữa, so với nghiện ma túy, độ nghiện về tiền tài và danh vọng nặng hơn rất nhiều. Mỗi liều để thỏa mãn dục vọng là tiền tỉ, rất nhiều tỉ (con nghiện bình thường chỉ cần mấy nghìn đồng bạc lẻ đã có thuốc để đỡ lên cơn). Với những con nghiện bình thường, khi lên cơn, chỉ vì mấy nghìn bạc lẻ mà nó đã sẵn cướp bóc, chặt xác ngay cả người sinh thành ra mình thì với con nghiện liều tính bằng nhiều tỉ đồng sẽ ra sao? Những con nghiện danh vọng không ngần ngại “nhúng chàm” với không ít những thủ đoạn của mình. Không chỉ có vậy, những con nghiện danh vọng thường thông minh và sung sức nên mỗi lần lên cơn sẽ nguy hiểm hơn rất nhiều, họ bất chấp và sẵn sàng dùng tất cả các thủ đoạn như lừa đảo, giết người… để đạt được khát vọng của mình. Nhưng dù tầm cỡ khác nhau thì tất cả các loại nghiện dù là ma túy hay danh vọng đều có cùng kết cục: tù đày, thần kinh và thảm hại hơn là bị chính đồng bọn của mình hãm hại.
Hạnh phúc thật sự của con người không hẳn là tiền bạc hay danh vọng. Có rất nhiều người hạnh phúc sung sướng, mà không cần những điều đó. Đức Phật, Mẹ Teresa, Nelson Mandela… không vì tiền tài danh vọng mà đều hạnh phúc và được lưu danh muôn đời! Khát vọng của họ từ tận tâm can, khát vọng phụng sự, làm theo sứ mệnh của đất trời.
Đức Phật được sinh ra là thái tử và sống trong cảnh giàu sang nhung lụa. Tuy thế, sau bốn lần ra bốn cửa thành và thấy cảnh người già, người bệnh, người chết và một vị tu sĩ, ngài phát tâm rồi từ biệt hoàng cung, sống cảnh không nhà, cùng tu khổ hạnh với nhiều nhóm tăng sĩ khác nhau. Sau nhiều năm tu khổ hạnh gần kề cái chết, Đức Phật đã tìm ra lẽ sống của đời mình - giảng pháp con đường giác ngộ và giải thoát. Đức Phật khất thực để thuyết pháp từ năm này qua năm khác, từ nơi này qua nơi khác. Đến 80 tuổi, Đức Phật Thích-ca tịch diệt trong sự bình an và hạnh phúc.
Mẹ Tersa thì hạnh phúc khi chăm sóc những người khốn cùng, mẹ làm công việc đó mỗi ngày và luôn mặc trên người chiếc áo vải thô viền xanh đáng giá một đồng Ấn Độ cho đến khi rời khỏi thế gian này. Mẹ nhẹ nhàng vượt qua chửi bới, sỉ vả xua đuổi của những kẻ giàu miễn sao có mẩu bánh mì để cưu mang những tâm hồn khốn cùng không nơi nương tựa.
Nelson Mandela từng nói: "Tôi cống hiến cả đời tôi cho sự nghiệp đấu tranh của người dân châu Phi. Tôi yêu mến lý tưởng về một xã hội dân chủ và tự do và bình đẳng. Đó là lý tưởng mà tôi hy vọng sẽ sống vì nó và đạt được nó. Nhưng nếu cần, tôi cũng sẵn sàng chết vì lý tưởng đó”. Trong 27 năm ngồi tù, đã rất nhiều lần chính phủ cai trị để nghị ông bỏ khát vọng của mình để đổi lấy tự do, nhưng ông đều từ chối.
Mỗi con người sinh ra đều có mầm sống, một sứ mệnh hay thiên mệnh. Khi ta thuận theo thiên nhiên, thuận theo thiên mệnh thì cuộc sống sẽ sung sướng, vô lượng, vô biên. Đa số chúng ta vì lợi ích trước mắt mà hy sinh cái gốc của mình, đó là sống tầm gửi, đánh quả và là nô lệ cho ý đồ của người khác. Trong những cái mất, sợ nhất là mất gốc!
“Con người đi khắp nơi để kinh ngạc trước những ngọn núi cao ngất, trước những ngọn sóng thần của biển cả, trước những dòng sông dài nhất, trước sự hùng vĩ của biển khơi, sự đẹp đẽ của những vì tinh tú mà bỏ qua chính mình không một chút băn khoăn.” - Thánh Augustine -
Thành công lớn nhất của đời người là tìm ra mục đích sống – lẽ sống. Khi “Khát vọng” đến từ bên trong, từ chính mục đích sống của đời ta, hợp với lẽ sống của bản thân thì tiền bạc hay danh vọng sẽ tự nhiên, nhẹ nhàng mà đến. Khi ta làm đúng với mục đích, đúng với thiên mệnh đất trời và bố mẹ đã gieo vào, ta sẽ làm việc một cách đam mê, hăng say, năng lượng tự nó tuôn trào và được trời đất ban thêm vô cùng vô tận vô lượng vô biên. Lúc ấy chúng ta không phải khổ sở “cố kiếm để sống” hay “cố sống để kiếm” nữa, ta cũng không cần đến “cây gậy và củ cà rốt”, những tác động từ phía ngoài thì chúng ta mới lao động. Ta sẽ vượt qua mọi thử thách một cách dễ dàng, như mầm sống đội đất vươn lên, luôn gia tăng sức sống, mang lại giá trị tươi xanh cho đời.
Chính vì những khát vọng từ trong tỏa ra mà Edinson đã kiên định, dũng cảm vượt qua hàng chục nghìn lần thất bại để thực hiện lẽ sống – tìm ra ánh sáng điện cho loài người. Làm đúng mục đích, sống thuận theo lẽ sống thì hạnh phúc nhất. Sung sướng và hạnh phúc nhất là khi ta làm việc, không hẳn là khi ta gặt hái thành quả, vinh quang hay giàu sang. Tất cả kết quả chỉ là thời điểm, chỉ có quá trình thực hiện mới là hạnh phúc bền vững. Nó như dòng chảy liên tục, khi đó năng lượng sẽ tuôn trào trong suốt quá trình ta cống hiến tài năng của mình để tạo ra giá trị cho cuộc đời. ”Ông trời có mắt”, “Gái có công thì chồng chẳng phụ”, hiến tài sẽ hái tiền. Hiến tài như dòng chảy thì tiền tài sẽ đến như mưa tuôn.
Trong mỗi chúng ta đều có hai con người. Cả hai đều sẵn sang làm việc hết mình, quên ngày quên tháng, nhiều khi quên cả bản thân, quên cả những nhu cầu thiết yếu hàng ngày. Cả hai cùng khiến ta sống mãnh liệt, cháy bỏng. Cả hai cùng giúp ta đạt được những thành tích tuyệt vời, được người đời nhắc đến với những lời cảm thán bất hủ. Nhưng một người tiều tụy còn một người hạnh phúc bình dị. Người tiều tụy: sống bằng “thèm khát từ ngoài vào” đó là tiền tài, danh vọng, bằng mọi giá chiếm đoạt những điều đó cho mình. Người hạnh phúc bình dị: sống bằng “khát vọng từ bên trong”, khát vọng phụng sự, khát vọng dâng hiến tài năng để gia tăng giá trị cho đời. Hai con người này luôn dằng xé nhau. Bạn ủng hộ ai, bạn là chính người đó!