HÓA GIẢI LỜI NGUYỀN ĐỊNH MỆNH - TỰ TÁI SINH XUẤT SẮC GIÀU SANG

Nhà nọ có hai anh em sinh đôi. Hai người giống nhau một cách lạ kỳ. Hệt như hai giọt nước. Không chỉ hình dáng, nét mặt, giọng nói mà cả tài năng, tính tình hai anh em cũng giống hệt nhau. Cùng giỏi bơi lội. Cùng tài vẽ. Cùng rất thích và rất giỏi bóng đá. Cùng rất yêu quí bạn bè....
Cả nhà đang sống yên vui, bỗng nhiên, không hiểu vì lý do gì người bố sinh ra nghiện ngập. Ông say xỉn, đánh nhau, ẩu đả như cơm bữa. Và cái gì phải đến đã đến, người bố bị vào tù vì tội quá chén gây tai nạn.
Thật đáng buồn, cả hai anh em sinh đôi cùng phải bỏ học. Ba năm sau, như “một lời nguyền định mệnh”, người em cũng quá chén gây tai nạn và vào tù cùng bố. Còn người anh, sau khi bỏ học đã đi làm thuê. Anh miệt mài phụng sự xuất sắc để kiếm tiền cứu vãn sự tan nát của cả nhà. Anh nhanh chóng trở thành một người thợ giỏi rất được tin yêu. Ông chủ cao tuổi lại muộn con, như chết đuối vớ được cọc, đã gả cô con gái độc nhất, rất xinh đẹp cho người anh tài giỏi lại chịu khó kia. An tâm vì sự nghiệp và con gái của mình đã có chỗ dựa vững chắc, ông thanh thản ra đi, giao cho người anh cai quản toàn bộ gia tài giàu có của mình. Như trong chuyện cổ tích, xuất thân từ một gia đình có bố và em cùng say rượu gây tai nạn và đi tù, thật kỳ diệu, người anh đã “tái sinh xuất sắc giàu sang”.
Khi được hỏi tại sao mình lại trở thành người như thế thì thật bất ngờ, cả hai anh em sinh đôi đều có một câu trả lời “rất sinh đôi”: “Bố tôi thế tôi còn cách nào khác!”.

Sao lại thế? Tại sao lại thế? Hai giọt nước sinh đôi mà hai số phận hoàn toàn khác biệt? Phải chăng đó là “Định mệnh”.
Có một câu hỏi thường trực trong mỗi người Việt: “Tại sao người Việt mình thường rất giỏi, rất chăm mà chúng ta đa số luôn nghèo, khổ và nhiều khi nhục nhã?”. “Vì sao đa số chúng ta luôn là người em bất hạnh trong hai anh em sinh đôi?”
Có phải người Việt yếu kém, dân tộc Việt đớn hèn, luôn bị chinh phục? Hoàn toàn không phải như vậy.
Người Việt có một năng lực tuyệt vời. Chúng ta có nhà toán học Ngô Bảo Châu được xếp hàng đầu thế giới. Tiến sĩ Phillipp Roseler chỉ là con mồ côi đất Việt mà làm phó thủ tướng trẻ nhất trong lịch sử nước Đức. Tiến Minh hồi nhỏ bị hen mà đã trở thành cầu thủ đẳng cấp cao của thế giới. Nhạc cổ điển không phải là phổ biến ở nước ta thế mà Đặng Thái Sơn là người châu Á đầu tiên đoạt Huy chương vàng tại cuộc thi âm nhạc quốc tế Chopin. Dân tộc Việt đã từng nhiều lần oanh liệt đánh tan quân xâm lăng hùng mạnh như Nguyên Mông, đế quốc Mĩ... Thời đánh đế quốc Mĩ, nhiều người dân trên thế giới đã “mơ ước sau một đêm ngủ dậy thành người Việt”. Rõ ràng không phải năng lực người Việt thấp và dân tộc Việt không thể sánh vai với các cường quốc năm châu.
Vậy “lời nguyền định mệnh” mà bấy lâu nay vẫn hằn sâu trong người Việt, văn hóa Việt là gì? Làm thế nào hóa giải được lời nguyền để mỗi người dân Việt và dân tộc Việt tái sinh xuất sắc giàu sang để dân giàu nước mạnh?
Trong “7 thói quen của người thành đạt” Stephen Covey có nhắc: “suy nghĩ tạo hành vi, hành vi tạo thói quen, thói quen tạo tính cách, tính cách tạo số phận”. Suy nghĩ là khởi nguồn tạo nên số phận nhưng ít ai biết cái gốc của vấn đề, cái gì tạo ra suy nghĩ. Cũng như khoa học, mỗi ngành đều có một tiên đề khởi nguồn để từ đó tạo ra các định lý, các nguyên lý hoạt động. Ví dụ như tiên đề của hình học phẳng là: hai đường thẳng song song không bao giờ gặp nhau. Còn với con người, đó là đạo, là cái gốc, là những ngầm định nền tảng, những giá trị cốt lõi, những điều đã hằn sâu trong tâm thức chúng ta và là khởi nguồn của mọi tư duy, là cái gốc của số phận, cái tạo ra định mệnh. Thái độ, ý chí chính là hệ điều hành, là phần mềm mặc định tạo nên định mệnh cho máy tính – con người.
Chúng ta vẫn thường tự vấn: “Làm thế nào để đỡ khổ, đỡ nghèo, đỡ nhục, đỡ ngu...”. Và từ bé chúng ta luôn được khuyên: “cố một tý cho đỡ khổ, đỡ nghèo, đỡ nhục, đỡ ngu, ....”.
Câu trả lời là gì cho những trăn trở đó của chúng ta?
Hằn sâu trong đạo làm làm người, phần mềm mặc định, phương thức sống của chúng ta là: “Ráng tí xíu cho đỡ nghèo, đỡ khổ, đỡ nhục...”. “Ráng tí xíu” nghe quá hẹp hòi, nhỏ nhoi và khổ sở. Đáng buồn hơn của “ráng tí xíu” là chỉ để “đỡ nghèo”, “đỡ khổ”, “đỡ nhục”, “đỡ ngu”... Đỡ nghèo vẫn là nghèo. Đỡ khổ chỉ là khổ. Đỡ ngu thì làm sao thoát ngu. Văn hóa như vậy khiến chúng ta mãi loay hoay trong cái định mệnh nhỏ nhoi của nghèo, khổ, nhục, ngu... Để rồi “phận nghèo đi đến nơi mô cũng nghèo”. Khi chúng ta luôn khuyên con cái: “cố gắng chăm học rồi ba má chạy cho chỗ làm lương kha khá” thì chắc chắn định mệnh làm thuê, cuốc mướn sẽ đeo đuổi người Việt mãi mãi.
Làm thế nào để hóa giải lời nguyền định mệnh khiến ta luôn có tư tưởng làm thuê quốc mướn, nghèo khổ nhục nhã? Làm thế nào tái sinh xuất sắc giàu sang để người Việt thành đạt hạnh phúc dân tộc Việt hào hùng muôn thuở dù trên chiến trường hay thương trường?
Ta không thể chỉ lo lắng học để đi thi, cũng không thể nhầm lẫn rất giữa công cụ và mục đích như vậy. Mục đích quyết định, định hướng để xác định công cụ. Mục đích rõ ràng thì ta càng chuẩn bị công cụ rõ ràng, chuẩn xác được vì “Không có nơi đến làm sao mà đi”. Học giỏi chỉ là công cụ. Công cụ mà không có mục đích rõ ràng, cũng chỉ để mục ruỗng. Lãng phí lớn nhất của nước ta là học một đường làm một nẻo. Người Việt đã thi được nhiều giải xuất sắc tầm cỡ quốc tế. Thế nên, ta chỉ cần thay đổi mục đích của đào tạo thành: Tạo ra những chủ nhân, những doanh chủ tầm cỡ thế giới, phụng sự xuất sắc giàu sang chính đáng. Điều đó sẽ tạo những bước tiến thần kỳ cho Việt Nam.
Không chỉ vậy, cuộc đời đơn giản hơn chúng ta nghĩ rất nhiều, đôi khi đơn giản một cách lạ kỳ ít ngờ đến, đó là: “thấy hay làm theo ngay, thấy ngu làm ngược lại”. Chỉ cần làm ngược lại với “ráng tí xíu” bằng “dấn thân phụng sự xuất sắc”. Ngược với “nghèo, khổ, nhục” là “giàu sang vinh quang”. Thay vì “ráng tí xíu cho đỡ nghèo, đỡ khổ...” chúng ta cần tạo dựng được văn hóa mạnh của người Việt, văn hóa “phụng sự xuất sắc, giàu sang vinh quang”. Thay vì khuyên con cái “cố gắng chăm học rồi ba má chạy cho chỗ làm lương kha khá” thì phải rèn cho con cháu ý chí “dấn thân phụng sự xuất sắc” để trở thành những ông chủ, bà chủ của các doanh nghiệp giàu sang có chi nhánh ở năm châu bốn biển. Chỉ một lựa chọn tưởng như rất nhỏ mà tạo ra kết quả khác biệt bất ngờ.
Khi và chỉ khi “phụng sự xuất sắc, giàu sang vinh quang” được ngấm vào máu được lập trình trái tim, là hệ điều hành được cài đặt mặc định trong mỗi người Việt từ già, trẻ, gái, trai và ngay từ tấm bé, chắc chắn người Việt sẽ giàu, nước Việt sẽ mạnh. Chúng ta sẽ không chỉ oanh liệt trên chiến trường mà còn huy hoàng trên thương trường.
“Con vua thì lại làm vua, con sãi ở chùa thì quét lá đa”, liệu câu ca đó có còn phù hợp với thời đại ngày nay? Khi mà, con người có một khả năng kỳ lạ là: “Biến cái không tưởng thành bình thường”. Ta có thể bay lên cung trăng, sao hỏa, sao kim, khoan sâu xuống lòng đất hàng chục cây số... Con người được sinh ra để thực hiện các ước mơ. Khốn nỗi chúng ta dang bị “giấc mơ con đề nát cuộc đời con”. Chúng ta mơ cũng rất nhỏ nhoi, cò con. Mơ mà còn “tiết kiệm”.
Vậy thì vì sao ta không tạo dựng văn hóa “Phụng sự xuất sắc – Giàu sang vinh quang” cho Việt Nam mình.
Muốn có những con người mạnh phải có một văn hóa mạnh. Nội lực của người Việt của dân tộc Việt rất mạnh. Chúng ta cần có một “thần hiệu” mạnh để kích hoạt tiềm năng con người, tiềm năng dân tộc, để thổi bùng lên hào khí Việt. Khi và chỉ khi toàn dân đồng thanh, đồng chí, đồng khí, đồng lòng, muôn người như một, thì dân tộc ta mạnh như vũ bão sẽ vươn lên vượt trội dù là chiến trường hay thương trường. Dân tộc Việt đã từng làm kinh hồn khiếp vía quân xâm lăng bằng thần hiệu “đánh” của hội nghị diên hồng, bằng thần hiệu “sát thát” để thắng quân Nguyên Mông, bằng thần hiệu “không có gì quí hơn độc lập tự do” để thắng đế quốc Mĩ.

Thần hiệu “Phụng sự xuất sắc – Giàu sang vinh quang” phải nhập vào tâm, ngấm vào thân hằn vào trí, phải ngấm vào máu mỗi người dân Việt để luôn luôn là ngọn đuốc soi đường, là kim chỉ nam cho mỗi hành động. Đó cũng chính là “thần chiêu” hóa giải lời nguyền định mệnh “cố một tí cho đỡ nghèo đỡ khổ” để chúng ta “tái sinh xuất sắc giàu sang”, giúp đất nước dịch chuyển lên một tầm cao mới để dân Việt giàu, nước Việt mạnh.
Cách giải quyết vấn đề, cách trả lời câu hỏi rất quan trọng. Nhưng quan trọng hơn là cách đặt vấn đề, cách đặt câu hỏi. Khi biết đặt vấn đề đúng, đặt câu hỏi đúng thì câu trả lời sẽ đến. Câu trả lời luôn nằm sẵn trong câu hỏi. Chính cách đặt vấn đề, cách đặt câu hỏi là “lời nguyền định mệnh” và cũng là “thần dược để tái sinh xuất sắc giàu sang”. Ta chính là câu hỏi thường trực trong đầu ta. Số phận là kết quả của hệ điều hành, của phần mềm mặc định, kết quả của ý chí, của lập trình trái tim. Hãy thay hệ điều hành mặc định “làm thế nào đỡ nghèo” bằng thần hiệu “Phụng sự xuất sắc – Giàu sang vinh quang” để đưa người Việt và dân tộc Việt bay bổng cùng các dân tộc anh em năm châu bốn bể!