Có
những bộ phim sau khi hoàn thành ngay cả biên kịch, đạo diễn, diễn viên
chính cũng không muốn xem lại. Những thước phim nhàm chán xếp chồng
chéo lên nhau, thà không dựng thành phim còn hơn. Có những bộ phim sống
mãi với thời gian và là niềm tự hào của lịch sử nhân loại. Nhân vật
chính là thần tượng của nhiều thế hệ. Cuộc đời mỗi chúng ta là một bộ
phim mà ta chính là biên kịch, nhà sản xuất, đạo diễn, diễn viên chính,
khán giả và nhà phê bình. Phim đời, đời phim. Đời phim, phim đời. “Đã
sinh ra trong trời đất, phải để danh gì với núi sông”. Hãy tạo dựng cuộc
sống của mình thành một bộ phim để đời!Đừng biến cuộc đời mình chỉ là
những thước phim nham nhở hoặc mình chỉ là những vai phụ, vai đóng thể
của phim đời người khác!
Bà
Xuân là một khuôn mẫu mà cha mẹ Xuân dùng để nuôi dạy cô: "Ngoại không
bao giờ phí thời gian vào những việc nhảy múa vô bổ như con đâu. Ngoại
luôn luôn đăm chiêu tìm tòi. Con chỉ thành đạt như ngoại nếu con luôn tư
duy nghiêm nghị".
Cái
bóng của bà Xuân, người cùng tên với cô đã bao trùm lấy cuộc đời của
Xuân. Một cô bé trẻ trung, lòng tràn đầy nhiệt huyết, bản tính tự do và
đam mê nhảy múa. Cha mẹ cô đã gọt đẽo Xuân thành bản sao của ngoại,
không màng đến con người thật và những mong ước, khát khao của cô. Bà
Xuân là một doanh nhân thành công, đầy kỷ luật, cương nghị, còn Xuân lại
mộng mơ và mang tâm hồn của một người nghệ sĩ.
Cũng
bắt đầu từ đó, cô không được sống với con người thật của mình. Cô quên
bẵng hình ảnh của cô Xuân, đúng với nghĩa đen của từ xuân, hồn nhiên,
vui tươi, lả lướt với những điệu nhảy. Xuân trở thành một con người
khác, một bà Xuân thứ hai, chăm chỉ, nghiêm nghị và luôn nghĩ đến chuyện
kiếm tiền. Bố mẹ cô đã vạch rõ mục tiêu và từng bước cô sẽ trở thành
trong tương lai, một kế toán trưởng có sự nghiệp thành công như bà Xuân,
lập gia đình với người yêu và đảm nhận công việc của một chuyên viên
thống kê rất trách nhiệm. Cha mẹ Xuân rất hài lòng vì cô đã đạt được
những gì họ mong muốn: "Nếu Ngoại còn sống, chắc chắn ngoại rất tự hào
về con!"
Nhưng
từ sâu thẳm trong tiềm thức, tiếng gọi tâm linh luôn thúc giục Xuân hãy
sống như mình được sinh ra để trở thành. Nhiều đêm khuya Xuân giật mình
thức giấc hoảng loạn như một người lên nhầm xe, ngồi nhầm ghế mà xe đã
đi rất xa theo một hướng hoàn toàn khác. Trằn trọc không ngủ. Cô chán
nản với những công việc mình đang làm, cái tôi bị đè nén lâu nay của cô
lên tiếng thét gào. Và hình ảnh cô bé xinh tươi với vẻ mặt rạng ngời
hạnh phúc bay người thể hiện trong các dịp hội diễn ngày nào lại trở về,
bừng sáng trong tâm trí cô, thôi thúc cô.
Trong
bộ phim đời mình, Xuân đã rất cố gắng, khổ sở để nhập vai bà Xuân.
Nhưng cô không được tham gia vào kịch bản. Bố mẹ cô đã viết nên kịch bản
đó. Họ đạo diễn cuộc đời của Xuân đi theo hướng không đúng với năng
khiếu và tính cách của cô. Mỗi khi tua lại những thước phim đời mình,
Xuân lại thấy ngao ngán, chán chường xen lẫn uất hận. Cô đã bị ép vai.
Cô không được đóng đúng vai trong bộ phim đời mình. Giá mà, bộ phim nghệ
thuật múa, cô là một vai chính - nghệ sĩ múa thì… mọi việc đã khác!!!
Giá mà…, giá mà.., giá mà… Có bao nhiêu người không nhắm mắt nổi khi sắp
rời xa cuộc đời vì biết mình làm nhầm phim và đóng nhầm vai? Nhưng cũng
có những con người vui vẻ thanh thản khi ra đi vì họ đã diễn trọn vẹn
vai mà mình thực sự mong muốn. Nếu được sống lại, họ có thay đổi phim
đời mình không thì họ luôn mỉm cười bình an: “tôi vẫn sống hết mình như
thế, chỉ điều chỉnh đôi cảnh để phim đẹp hơn”.
Trung
thực cao cả nhất là trung thực với chính mình. Sống thật nhất là thành
thật với chính mình. Cuộc đời của mỗi người cũng là một bộ phim. Cuộc
sống nội tâm chính là vai diễn của chúng ta. Sống là diễn, diễn cũng là
sống. Làm việc là giải trí, giải trí cũng là làm việc. Đời là phim. Phim
là đời.
Hãy
tạo ra bộ phim đời mình như vua hài Sáclơ đã tạo ra, biết bao người ở
nhiều thế hệ đã xem đi xem lại phim của ông mà không biết chán. Càng xem
càng thấy ý nghĩa, càng muốn xem lại. Trong bộ phim đó, ông vừa là nhà
sản xuất, đạo diễn, biên kịch, diên viên chính, người xem và nhà phê
bình. Bộ phim đời ta cũng vậy, ta cùng lúc là 6 trong 1: ta vừa viết
kịch bản, vừa sản xuất, vừa đạo diễn, vừa là diễn viên chính, vừa là
người xem và là người bình luận của nó. Ta hãy ngồi xem lại những thước
phim đời mình đã qua, nhìn nhận công minh và quyết tâm trở thành một
nghệ nhân tạo dựng những tập phim tiếp theo thật tuyệt diệu.
Ta biên kịch phim đời mình .
Ta hiểu rõ nhân vật chính của mình hơn ai hết, hiểu sứ mệnh của họ,
hiểu lý do họ có mặt trên đời, hiểu khát khao, hiểu tính cách của họ. Ta
là người biết rõ nhất về năng khiếu của nhân vật chính, cách họ thực
hiện hoài bão. Ta chính là người vẽ con đường họ đi và đỉnh cao danh
vọng mà nhân vật chính có được vào cuối đời. Kịch bản hay khi ở đó có
đầy những kịch tính, những pha hành động, những thành công vang dội và
thất bại ê chề nhiều khi tưởng không vượt qua nổi. Những thách thức và
thách thức lớn hơn khiến người xem phải thót tim liên tục. Thành công,
đam mê đan xen thất bại, chán chường. Trong kịch bản phim đời mình,
không thể như Trần Tiến vẫn hát: “Có một người không quên không say,
không buồn vui, chẳng thương nhớ ai bao giờ. Sớm lại chiều đi lên cơ
quan, chiếc xe cà tàng một lon cơm khô, họ chẳng chết bao giờ. Vì có
sống bao giờ đâu! Họ chẳng sống bao giờ …thì có chết bao giờ đâu”.
Kịch
bản của ta càng nhiều kịch tính thì cuộc sống của ta càng thêm hạnh
phúc và ý nghĩa. Ta vượt qua khủng hoảng, sóng gió cuộc đời một cách
ngoạn mục bằng tâm thế của người chinh phục với lời ca ngân nga “ví thử
cuộc đời bằng lặng cả, hanh hùng hào kiệt có hơn ai”. Viết
kịch bản đời mình là tưởng tượng trước thành công, bi kịch, khi đó
thành công trong đời thật sẽ vang dội hơn, ta cũng vượt qua thách thức
khủng hoảng một cách điềm tĩnh hơn nhẹ nhàng hơn, vì ta đã sẵn sàng với
nó. Khi có kịch bản cuộc sống của ta được nhân đôi, cuộc sống trong
tưởng tượng và cuộc sống thật.
Chúng
ta luôn đòi hỏi “kịch bản nào cho kinh tế Việt Nam 2012, 2013…”, mà
không mảy may quan tâm đến kịch bản đời mình. Ta sống thế nào trong năm
2012, 2013… và cho đến cuối đời . Dù bạn có óc tưởng tượng vĩ đại đến
mức hoang tưởng như thế nào đi nữa thì cũng không bao giờ tưởng tượng
được rằng, làm phim mà không có kịch bản. Vậy mà, thật nực cười, đa số
chúng ta đang làm phim đời mình hoàn toàn không có kịch bản. Sống phật
phờ. Sống được chăng hay chớ. Sống hôm nay không biết đến ngày mai. Sống
không bao giờ nghĩ tới tương lai. Ta là nhân vật phụ, thậm chí nhân vật
quần chúng trong kịch bản của phim đời người khác. Những vai phụ, vai
đóng thế mờ nhạt và nhàm chán. Sống mà như chết rồi. Có lẽ nào, bộ phim
đời ta chỉ được dăm ba cảnh, mỗi cảnh chỉ vài phút đáng xem…
Công
nghiệp phim Việt Nam chưa phát triển vì thiếu kịch bản hay. Con người
Việt Nam chưa thật vĩ đại vì thiếu óc tưởng tượng, thiếu mơ mộng, thiếu
kịch bản cho phim đời mình. Chính lối sống phong kiến, nền kinh tế quan
liêu mệnh lệnh và nền giáo dục đọc chép đã giết chết từ trong trứng nước
những bộ phim vĩ đại, những nhân vật vĩ đại của một đất nước Việt Nam
rất vĩ đại trong lịch sử! Hãy viết lại kịch bản vĩ đại cho bộ phim đời
mình.
Khi
ta viết xong kịch bản, chính ta là nhà sản xuất để quyết định kịch bản
đó có được dựng hay không. Liệu nhà sản xuất có hứng thú với kịch bản mà
ta đã viết?
Ta sản xuất phim đời mình. Ta
xem xét mọi khía cạnh của kịch bản, từ tổng quan đến chi tiết, từ đường
dây chính đến đường dây phụ cùng những kịch tính trong đó. Bộ phim có
hấp dẫn, có giá trị với phần đông khán giả hay không, bộ phim đó có ăn
khách không? Thêm vào đó là các khoản đầu tư cần thiết cho nó? Đạo diễn
sẽ là ai và cần những diễn viên nào? Bối cảnh để quay bộ phim đó là
những đâu?... Tóm lại, bộ phim đó có đáng để dựng hay là từ chối thẳng
thừng? Có nên dựng thành phim để cho hàng triệu triệu người ngưỡng mộ,
học tập, mang lại nhiều giá trị cho xã hội hay không? Rõ ràng để có một
cuộc đời đáng sống chúng ta phải chuẩn bị rất nhiều thứ! Phải biết tưởng
tượng ra tất cả các khía cạnh của cuộc sống muôn màu muôn vẻ. Là một
nhà sản xuất ta cần biết đầu tư, dám mạo hiểm để cho ra những bộ phim để
đời. Làm một bộ phim nhỏ với chi phí bình dân rất dễ nhưng để có một bộ
phim lớn ngang tầm Oscar thì cần những nhà sản xuất có một tầm nhìn
lớn, sáng suốt lựa chọn kịch bản và liều lĩnh một cách bản lĩnh để thành
công vang dội. Ta đủ tự tìn để mời các đối tác mạnh cùng đầu tư, cùng
quảng cáo, PR và nóng lòng chờ ngày công diễn.
Khi
đã quyết định dựng kịch bản thành phim, nhà sản xuất là người tin tưởng
và kiên định đến cùng với lựa chọn của mình, họ tin và họ quyết tâm tạo
ra một bộ phim đáng xem hơn tất cả.
Ta đạo diễn phim đời mình. Ta
chỉ đạo quá trình làm bộ phim, thực hiện kịch bản một cách sáng tạo.
Đạo diễn định hướng và điều chỉnh hành vi, biểu hiện của mình trong từng
thời điểm. Đạo diễn linh hoạt và sáng suốt trong mọi tình huống để
hướng dẫn và chỉ đạo diễn viên thể hiện xuất sắc vai diễn của mình. Đạo
diễn luôn biết dừng cảnh và có những điều chỉnh kịp thời đồng thời biết
khích lệ để diễn viên hăng say, đam mê, hết mình với vai diễn. Một đạo
diễn cũng vô cùng kỷ luật và nghiêm túc, không bao giờ cho phép diễn
viên mảy may lơ là trong từng giây phút, họ yêu cầu diễn viên phải luôn
sống hết mình, toàn tâm toàn ý nhập vai. Đạo diễn biết thời điểm đẩy lên
cao trào và thời điểm phải cắt cảnh, chuyển cảnh.
Trong
cuộc sống thực của mình ta thường là đạo diễn tồi. Ta luôn kéo dài
những cảnh phụ nhàm chán như ngủ nướng, bia bọt, rượu chè, lang thang
bất định… lê thê. Những cảnh thành công nhiệt tâm vượt thách thức chỉ
thoảng qua không để lại dấu ấn đáng kể. Hãy dừng ngay những cảnh phụ,
cắt ngay những cảnh thừa và kéo dài hơn những cảnh chính làm nên ý nghĩa
thực sự cho bộ phim đời mình. Bộ phim hay sẽ không có bất kỳ một cảnh
nào bị thừa ra hay vô nghĩa, tất cả đều có lý của nó. Đạo diễn là người
hiểu điều đó hơn ai hết cũng là người chủ động với tất cả những cảnh
phim đó.
Ta là nhân vật chính, là sao của bộ phim đời mình. Ta
diễn hết mình say mê. Ta hòa vào vai diễn của mình bằng cả
trí–thân–tâm, tâm sáng–thân tài–trí cao. Ta đắm mình trong vai diễn,
không hề có một một giây sao nhãng. Đó là cuộc sống của ta. Công việc
cũng là sống, giải trí cũng là sống, vui chơi cũng là sống, học hành
cũng là sống…. Trong mọi hoàn cảnh, diễn viên chính luôn làm đúng bản
mệnh trời sinh ra mình với khát khao, hoài bão như những gì trong kịch
bản kia đã dựng lên. Ta là người luôn tin tưởng, lạc quan và yêu cuộc
sống của chính mình. Hãy sống như ta được sinh ra để trở thành. Ta luôn
xuất sắc trong tất cả các cảnh diễn, các vai diễn. Khi ta vào vai người
bố cương nghị yêu thương, khi ta vào vai người con hiếu thảo chăm ngoan.
Ta làm sếp luôn sáng tạo và tràn đầy trách nhiệm. Khi ta là người bạn
đằm thắm, chân thành, vui tươi... Ta hãy là một ngôi sao, một thần tượng
của những thế hệ mai sau.
“Không chuẩn bị là chuẩn bị cho thất bại”. Trước
mỗi vai diễn của mình, diễn viên luôn trao đổi với đạo diễn rất kỹ,
tưởng tượng và tập rất vất vả, sau đó mới bắt đầu vào phim. Mỗi thời
khắc, mỗi sự kiện, mỗi ngày đều có thể là một cảnh phim. Đó có thể là
cảnh ta đi đàm phán với đối tác, ta đang thực hiện một phi vụ làm ăn,
hay đó một buổi dạy học, một kỳ nghỉ với gia đình…Những cảnh phim thực
sự hay và làm say đắm lòng người khi ta luôn tưởng tượng ra kịch bản hay
nhất, đạo diễn xuất sắc và diễn hết mình với nó.
Đời
thực của ta, nhiều người chỉ đóng được một vai. Có người chỉ đóng được
vai sếp. Với bố mẹ cũng là sếp. Với con cái cũng là sếp. Khi tham gia
giao thông cũng là sếp. Khi vui vẻ họp lớp cũng làm sếp. Bất kì khi nào
cũng là sếp. Một nhân vật khô khan, vênh vao, không thể hòa nhập vào
cuộc sống, không ai muốn đến gần. Cuộc sống của ta khi đó trở nên nhàm
chán, bộ phim đơn kênh đơn điệu, diễn viên không thể hiện được hết thế
mạnh, năng khiếu và sự đa dạng trong tính cách của mình. Điều đó làm con
người ta ngày một tụt lùi và cuộc sống ngày thêm tẻ nhạt, bộ phim ấy
nhất định chính ta cũng không muốn xem lại.
Ta là khán giả bộ phim đời mình. Ta
xem lại bộ phim của mình qua những hồi tưởng. Khán giả là người đánh
giá khách quan nhất. Đặt mình ở vai trò khán giả giúp ta hòa nhập hơn
với xã hội và hiểu được giá trị mà chính ta mang lại cho đời.
Ta
luôn là một khán giả say đắm, yêu thương phim đời mình, nâng tầm ý
nghĩa của những cảnh phim. Luôn háo hức với những cảnh tiếp theo. Luôn
yêu cuộc sống, luôn yêu thương chính mình.
Đừng
để phim đời mình thành bộ phim bỏ mốc, chính mình cũng không dám mang
ra xem lại. Nếu có xem lại thì đầy sợ hãi và chán chường. Dù có những
cảnh phim buồn hay những khi thấy bất bình vì một ai đó, ta cũng không
quên yêu đời và yêu cuộc sống, tin tưởng vào những cảnh phim hay tiếp
theo. Khán giả chính là nguồn động viên rất lớn cho nhà biên kịch, nhà
sản xuất, đạo diễn và diễn viên chính để họ tiếp tục cho ra những cảnh
phim đáng để xem hơn mỗi ngày.
Ta là nhà phê bình bộ phim đời mình. Cũng
là một khán giả, nhưng nhà phê bình có cái nhìn thấu đáo hơn, khắt khe
hơn với bộ phim. Nhà phê bình sẽ đưa ra những đánh giá sắc sảo, rõ nét
nhất về bộ phim. Khác với những bộ phim được công chiếu ở rạp, khi bộ
phim hoàn thành thì nhà phê bình mới đưa ra nhận xét đánh giá, với bộ
phim đời mình thì nhà phê bình có thể nhận xét đánh giá ngay sau mỗi
cảnh và đề nghị biên kịch, đạo diễn và diễn viên điều chỉnh để những
cảnh phim, tập phim tiếp theo tuyệt vời hơn, cuốn hút hơn. Nhà phê bình
luôn khắt khe và công tâm, luôn hỗ trợ để phim đời mình hoàn thiện hơn,
tuyệt vời hơn, mang lại nhiều giá trị cho đời hơn.
Khi
ta làm thật tốt 6 vai trò biên kịch, sản xuất, đạo diễn, diễn viên và
phê bình, cuộc sống của ta hiệu quả gấp 6 lần, đẹp gấp 6 lần, ý nghĩa
gấp 6 lầ hiện tại. Bạn còn đợi gì nữa. hãy lao vào sản xuất các tập tiếp
theo của phim đời mình.
“Sáu
anh em trên một chiếc xe tăng”. Chiếc xe tăng phim đời mình. Tuy 6 mà
một. Tuy một mà sáu. Sáu vai trò mà ta cần đảm nhiệm trong bộ phim cuộc
đời mình, nó đảm bảo cho những thành công của ta được liên tiếp nhau,
ngày một thành công lớn hơn. Ngày nay, có rất nhiều người thể hiện vai
diễn của mình rất tốt nhưng lại theo kịch bản và sự chỉ đạo của một
người khác, như vậy người đó không làm chủ được bản thân và dần mất đi
chính định hướng cho cuộc đời mình và biến mình thành nô lệ cho dự định
và kế hoạch của người khác. Họ trở thành những người bị lệ thuộc. Cũng
có nhiều người chỉ giỏi làm nhà phê bình bộ phim của người khác mà quên
phê bình bộ phim chính đời mình. Họ chỉ thấy những lỗi lầm của người
khác, phê phán chỉ trích một cách cay nghiệt mà quên mất rằng chính bộ
phim của mình cũng đang có rất nhiều điểm đáng chê trách. Khác nào “Thầy
bói xem bói cho người, số thầy thì để cho ruồi nó bâu”. Có người lại
quên mất vai người xem, cứ lao vào làm phim mà không thưởng thức bộ
phim, quên mất thương nhân vật chính, quên mất yêu đời, yêu mình. Họ chỉ
nghĩ đến sản xuất phim để kiếm tiền, những bộ phim thị trường rẻ tiền,
nhiều khi ta lao vào kiếm tiền và được rất nhiều tiền mà chưa kịp tiêu
“hết phim”. Chủ tịch Hội đồng quản trị xưởng phim “tấn trò đời”- Ông
Trời, nhiều khi bất thình lình ra lệnh dừng sản xuất phim đời mình lại.
Cũng không ít người chỉ ngồi tua lại các tập phim đã diễn mà quên mất
việc tiếp tục dàn dựng những tập phim tiếp theo. Ngày qua ngày, họ chỉ
xem những đoạn phim lịch sử hào hùng. Tệ hại hơn có người lại chỉ xem
những cảnh thất bại thảm hại, những buồn chán và đặt dấu chấm hết cho bộ
phim đời mình ở tuổi 20, có người dừng phim ở tuổi 30…. Trong khi tất
cả vẫn còn ở phía trước. Dù thế giới có thế nào ta luôn phải tiếp tục
làm phim đời mình, làm xuất sắc hơn, ý nghĩa hơn cho mình, cho đời.
Hãy
làm chủ bộ phim đời mình, một phim ý nghĩa và đáng nhớ nhất. Ta là một
nhà biên kịch uyên thâm đầy tưởng tượng, mơ mộng. Ta là một nhà sản xuất
tài ba, quản lý chặt chẽ để phim hiệu quả nhất. Ta là một đạo diễn sáng
tạo, nhạy bén thông minh linh hoạt và cương quyết. Và quan trọng nhất
ta diễn viên tài ba, đam mê luôn là ngôi sao trong mọi vai diễn của “tấn
trò đời”. Ta là một khán giả yêu thương, trung thành. Ta là một nhà phê
bình công minh, sáng suốt và thẳng thắn. Bộ phim đời mình sẽ ghi dấu ấn
không thể phai mờ với cuộc đời này. “Hổ chết để da, người ta chết để danh”
Hãy
là một nghệ nhân tài ba, tạo dựng bộ phim đời mình sống mãi với thời
gian như “Cuốn theo chiều gió” với 10 giải Oscar dành cho phim, đạo
diễn, biên kịch, diễn viên chính… xuất sắc nhất. Một bộ phim làm giàu
thêm cuộc sống của hàng triệu triệu diễn viên trên “tấn trò đời”.
TS. Phan Quốc Việt nói về "Làm phim đời mình" trên kênh truyền hình Du lịch - VCTV