Ts. Tâm Việt: Ai ai cũng muốn thành đạt & hạnh
phúc. Đề tài thành đạt hạnh phúc đã tốn không biết bao nhiêu công sức và
giấy mực. Làm thế nào để thành công vượt trội? Làm thế nào để xây dựng
cho mình một sự nghiệp? Cái gì tạo nên phong cách sống? Làm thế nào để
lúc nào ta cũng có một phong cách sống đẳng cấp cao? Stephen Covey, tác
giả cuốn sách nổi tiếng thế giới - 7 thói quen của người thành đạt, có
viết: “Suy nghĩ tạo hành vi, hành vi tạo thói quen, thói quen tạo tính
cách, tính cách tạo số phận”. Điều đó liệu đã chính xác? Từ nghĩ đúng
đến làm được là cả một khoảng cách xa vời vợi. Nghĩ một đường, nói một
nẻo, còn làm lại khác hẳn là chuyện thường ngày.
Ngày
xửa ngày xưa, Thân thể, Trí tuệ và Tình cảm cùng chung sống và rất thân
thiết với nhau. Một lần chúng chơi trốn tìm, Thân thể là người đi tìm
còn Tình cảm và Trí tuệ đi trốn. Trí tuệ rất thông minh nên ngay lập tức
tìm được chỗ trốn lý tưởng mà Thân thể không thể tìm ra được. Còn Tình
cảm thì luống cuống mãi, cuối cùng, nhảy vào một bụi cây gần đó để trốn.
Bụi cây rậm rạp nên khá kín đáo và Tình cảm rất an tâm về chỗ trốn này.
Khi Thân thể mở mắt đi tìm, Thân thể đi tìm khắp xung quanh, mà không
thấy Trí tuệ và Tình cảm đâu cả. Chán nản, Thân thể bèn lấy một cành cây
bên đường, rồi sẵn chỗ nào, chọc cành cây vào chỗ đó. Chẳng may Thân
thể chọc vào bụi cây mà Tình cảm đang trú, Tình cảm cuống quá, không kịp
tránh nên vô tình bị cành cây chọc vào mắt, khiến đôi mắt bị mù. Trí
tuệ khi đó mới xuất hiện và trách móc Thân thể là người lỗ mãng. Thân
thể trách Trí tuệ cậy mình thông minh mà không coi ai ra gì, Tình cảm
thì chỉ biết đau khổ ôm đôi mắt mù lòa của mình mà khóc. Thế rồi Thân
thể, Trí tuệ và Tình cảm mỗi người đi về một phía khác nhau. Không ai
chịu ai và từ đó chúng không cùng chung sống với nhau nữa.
Bởi
thế mà ngày nay, ta thường thấy người có trí tuệ tốt thì tình cảm và
thân thể yếu kém, người có thể lực tốt thì trí tuệ lại ít ỏi. Quan văn
thì yếu mà quan võ thì nông cạn. Kẻ tình cảm thì bị coi là thiếu sáng
suốt. Rất ít người văn võ song toàn. Càng ít người có cả trí tuệ, thể
lực và tình cảm phát triển đồng đều và thống nhất, hòa làm một. Phải
chăng vì con người thiếu một trong ba phần đó nên xã hội phát triển
thiên lệch và loạn lạc.
Một ngày kia, Ông Trời đã gọi Trí tuệ, Thân thể và Tình cảm đến và đưa cho mỗi người một cây:
- Các con làm sao để cây của mình đứng được trên mặt đất mà không dựa vào các đồ vật khác.
Trí
tuệ vắt óc suy nghĩ, Thân thể vội xoay xở chống cây dọc rồi ngang, còn
Tình cảm thì xuýt xoa “sao cây này lại nhiều chạc và đầu mấu đến vậy,
thật xù xì xấu xí quá”.
Loay hoay mãi
mà không biết làm sao để cây đứng được. Chúng cứ thả tay ra thì mỗi cây
lại ngã chỏng chơ ra sàn một cách thảm thương. Hồi lâu, ông Trời mới gọi
cả ba lại gần nhau và cho ba cây tựa vào nhau.
- Các con xem, vì sao ba cây này đứng được? Là vì chúng
dựa vào nhau, hỗ trợ cho nhau và trên đỉnh cao của mỗi cành cây, chúng
nhất thể hòa vào nhau tạo ra một thể - thế đứng. Mỗi cành cây đều có
chạc cây, những đầu mấu đặc biệt, khác biệt của riêng mình nhưng biết bổ
sung hài hòa thì tạo ra sự liên kết chắc chắn. Trong thế 3 cây đó,
không có cây nào quan trọng hơn cây nào cả, sự dịch chuyển của một cành
cây khiến cả hai cành còn lại cũng phải dịch chuyển theo. Một cành đổ
thì mất thế, cả hai cành kia cũng đổ theo. Hệt như ba cây, khi ba con
kết hợp chặt chẽ với nhau, hòa đồng vào nhau, nhất thể là một, các con
tạo một sức mạnh cho con người, tạo tâm thế cho con người.
Lúc
này, cả Trí tuệ, Thân thể và Tình cảm đều nhận ra rằng sức mạnh đỉnh
cao chỉ có được khi cả ba đồng tâm, nhất thể với nhau. Động thân sẽ động
não và động lòng. Động lòng cũng động thân và động não. Động não thì
động lòng và động thân. “Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên
hòn núi cao”. Trong cuộc đời đầy sóng gió này, muốn thành công cần tam
tuệ đồng tâm, tam tài nhất thể, “dù ai nó ngả nói nghiêng, lòng ta vẫn
vững như kiềng ba chân”.
Theo lý thuyết hệ
thống, bất cứ một hệ thống nào muốn vững mạnh đều cần dựa trên sự phát
triển mạnh mẽ và hài hòa của tối thiểu 3 thành tố. Con người là một hệ
thống hoàn hảo nhất trong các hệ thống. Thế mà lâu nay chúng ta lại chỉ
thiên lệch về trí tuệ, đề cao trí tuệ một cách thái quá. Một trí tuệ
siêu việt đến đâu mà nằm trong một thân thể yếu ớt, một tâm hồn ủ dột
thì cũng chỉ là mơ ước hão huyền, lực bất tòng tâm. Đấy cũng là lý do
tại sao ngày càng nhiều người bị stress, trầm cảm. Chúng ta đang chuyển
sang quản trị thông minh cảm xúc. Và đồng thời cũng không thể bỏ qua
thông minh thân thể và vận động BI – Bodily Kinesthetic Intelligence.
Nói gì thì nói, gốc của con người là động vật, mà động vật thì bắt buộc
phải vận động. Thông minh vận động là có thân thể khỏe đẹp và khéo léo,
điều này thể hiện rõ ở những người làm nghề thể thao, nghệ thuật, tiểu
thủ công nghiệp... Đại diện đặc biệt về thông minh vận động là Edison –
người sáng tạo nhất trong lịch sử phát triển loài người.
Đầu
thế kỷ 20, thế giới tranh giành nhau để quản trị tài nguyên thiên
nhiên. Nửa cuối thế kỷ 20, thế giới đã dịch chuyển sang quản trị tài
nguyên con người với các cường quốc nổi lên như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài
Loan, Singapore... Đến cuối thế kỷ 20, có một bước dịch chuyển quan
trọng trong quản trị tài nguyên con người, từ quản trị trí tuệ IQ sang
quản trị thông minh cảm xúc EI-Emotional Intelligence! Thông minh cảm
xúc là khả năng thấu hiểu và điểu khiển được cảm xúc của mình và của
người khác. Thực chất, thế giới đang dịch chuyển từ quản trị tài nguyên
con người HRM-Human Resourse Management sang quản trị vốn con người HCM –
Human Capital Management. Quản trị vốn con người chính là hài hòa nhất
thể ba yếu tố IQ – BI – EI tạo thành tâm thế vững vàng. Hay nói cách
khác chính là quản trị được tâm thế.
Chắc hẳn ai trong
chúng ta cũng biết đến câu chuyện “Con hổ có lá gan chuột nhắt”. Chú
chuột mặc dù đã biến đổi thành hổ, có hình hài khỏe khoắn oai vệ của một
chú hổ nhưng chú vẫn mang tâm thế của chuột. Là hổ, mà không phải là
hổ, hay nói chính xác hơn, là hổ mà không có tâm thế của hổ. Trong thế
giới hiện nay, rất nhiều người đi làm thì trong tâm thế của một sinh
viên đi thực tập; khi về nhà với người thân lại trong tâm thế một quan
tòa, giám đốc hách dịch; đã làm chủ gia đình và công ty nhưng vẫn mang
tâm thế của đứa con út hay người làm thuê… Điều đó không khác gì chú
chuột hổ to xác và oai vệ nhưng vẫn sợ một chú mèo nhỏ. Nếu chỉ có một
thân thể khỏe mạnh, hoặc một nhận thức uyên thâm hay một trái tim giàu
tình cảm chưa đủ tạo nên tâm thế một con người. Thậm chí có hai trong ba
yếu tố đó cũng vẫn chưa tạo nên tâm thế một con người. Chỉ khi kết hợp
hài hòa cả thân thể, nhận thức và trái tim thì mới tạo cho ta một tâm
thế; và khi cả 3 yếu tố đó đều đạt ở đỉnh cao, nhất thể hài hòa với
nhau, thì ta có được một tâm thế đỉnh cao, tâm thế của người xuất chúng.
Một
con người thành công, cần hoàn thiện cả 3 yếu tố là IQ, BI, EI; ba yếu
tố này phải tam tuệ đồng tâm, tam tài nhất thể để tạo thành một thể -
tâm thế xuất sắc, tâm thế đỉnh cao. Con người khi đó mới thực sự người
nhất và thành công nhất.
Không chỉ có vậy, chúng ta còn có
3 bộ nhớ chức năng tương đương với 3 loại hình thông minh. Bộ nhớ dữ
kiện hỗ trợ cho sự sáng suốt trí tuệ gia tăng IQ (Intelligence Quotient -
Thông minh logic), bộ nhớ tiến trình hỗ trợ sự khéo léo khỏe mạnh của
thân thể gia tăng BI (Body Intelligence - Thông minh thể chất) và bộ nhớ
cảm xúc nuôi dưỡng tình cảm của ta gia tăng EI (Emotional Intelligence -
Thông minh cảm xúc). Ba bộ nhớ (dữ liệu – trí tuệ, tiến trình – kỹ năng
và cảm xúc – thái độ) luôn đồng hành trong mọi hoạt động của cuộc sống.
Có người trước khi bắt đầu công việc, chỉ nhớ về cảm xúc sung sướng khi
đã từng hoàn thành các công việc xuất sắc, mà không nhớ đến tiến trình
giúp mình thành công, không nhớ đến các dữ kiện liên quan…vì vậy chưa
tạo được tâm thế tốt nhất cho mình, và kết quả là thành công không đến,
thành tích cũng không cao. Trong khi đó, ở trường thì ta chỉ đào tạo để
lưu giữ lại những dữ kiện mà không có ý thức tập trung và lưu giữ lại
tiến trình và cảm xúc trong quá trình trải nghiệm của mình. Để rồi, mỗi
khi ta đứng trước một thử thách, trước một công việc… ta lại cảm thấy
như một bắt đầu mới, với quá nhiều khó khăn và trở ngại. Những lúc như
thế, nếu ta kích hoạt – khởi tạo lại được bộ nhớ tiến trình, bộ nhớ cảm
xúc về những thành công, thành tích cùng với quá trình mình thực hiện để
đạt được thành công, thành tích đó và những cảm xúc tuyệt vời, sung
sướng tột đỉnh, hạnh phúc vô bờ… thì tâm thế của ta khác hẳn. Cách ta
đối diện và giải quyết công việc, thách thức cũng khác hẳn, bởi ta có sự
nhất thể của lý trí, thân thể và cảm xúc. Sự nhất thể đó tạo nên tâm
thế của một người luôn sẵn sàng, hết sức mình hành động, chuyên tâm làm
việc để thành công vượt trội. Thiếu một yếu tố nào trong ba yếu tố: thể
lực, nhận thức và cảm xúc thì “người không ra người mà ngợm chẳng ra
ngợm”. Kết hợp nhuần nhuyễn 3 loại hình thông minh IQ, BI & EI làm
cho mỗi thành phần đều mạnh lên, cái tổng thể nổi trội hơn hẳn là thông
minh tâm thế.
Quản trị sự nhất thể, lữu giữ được tâm thế
nhất thể để bất cứ khi cần là có thể gọi nhớ sử dụng được ngay chính là
nền tảng của quản trị tâm thế.
Thế giới quan phương Đông,
có đặc điểm quan trọng nhất, cốt tuỷ nhất - là ý thức về tính nhất thể
của các thành tố trong hệ thống. Cả IQ, BI, EI đều có liên quan với nhau
và là thành phần bất khả phân của một cái toàn thể, là những hiện thân
khác nhau của một thực tại cuối cùng – tâm thế. Tâm thế là cái tạo ra
phong cách sống, đẳng cấp sống và sự nghiệp của mỗi con người. Phong
cách con người là tâm thế. Tâm thế là một nhất thể, tâm thế không thể
phân chia. Tâm thế vừa là kết quả vừa là khởi nguồn của trí-IQ, thân-BI,
tâm-EI. Tâm thế luôn xuất hiện trong trí, thân, tâm. Trí, thân, tâm
luôn luôn là thành phần hữu cơ của tâm thế.
Quản
trị tâm thế là đồng nhất được trí tuệ, thân thể và cảm xúc, hợp nhất nó
lại theo một định hướng nhất định và phát huy tối đa, hài hòa sức mạnh
của cả 3 yếu tố. Mỗi con người, muốn thành công, giàu sang vinh quang
cần luôn khởi tạo, duy trì và phát triển cho mình luôn có được tâm thế
đỉnh cao, tâm thế xuất chúng bằng cách thống nhất hài hòa tam tuệ đồng
tâm, tam tài nhất thể trí tuệ, thân thể và cảm xúc để có được tâm thế
thông tuệ. Trong thời kỳ khủng hoảng, hơn bao giờ hết, chúng ta phải
dịch chuyển từ quản trị thông tin lên tầm cao mới: Quản trị tâm thế.
Khi
đó, tâm thế giúp ta tập trung, tích trữ nguồn năng lượng đỉnh cao trong
cơ thể mình, trạng thái dự trữ năng lượng đó chính là thế năng mà ta
đạt được. Khi nguồn năng lượng đã được tích trữ đủ, nó sẽ tạo động năng
cho hành động của ta. Và chỉ có hành động mới đem lại thành công cho
con người.
Khi
ta kết hợp hài hòa được trí-IQ, thân-BI & tâm-EI lúc đấy năng lượng
luôn: Kết nối, Nhất thể, Cộng hưởng, Tràn trề, Tuôn chảy. Nếu ta không
biết phối hợp, kết nối thì nguồn năng lượng trong ta luôn: Rời rạc, chia
tách, đối kháng, cạn kiệt, tắc nghẽn.
Khi mọi giác quan
(V-A-K-O-G) của ta đều mở ra tiếp cận với sự việc, thì nhận thức, cảm
xúc và thể chất của ta cùng được phát triển và hòa hợp thống nhất tạo ra
tâm thế. Năng lượng tuôn trào và tạo mạch thông suốt khi ta đạt được
tâm thế đỉnh cao. Chính vì vậy, trong mọi trải nghiệm của mình, ta cần
trải nghiệm bằng tất cả các giác quan: thị giác (Video), Thính giác
(Audio), Xúc giác (Kinesthetic), Khứu giác (Olfactory) và Vị giác
(Gustation), khi đó việc lưu giữ lại dữ liệu, tiến trình, cảm xúc hay
lưu giữ tâm thế mới rõ nét và chặt chẽ trong bộ nhớ của chúng ta. Đó là
khi ta sẵn sàng nguồn năng lượng đỉnh cao cho thành công.
Người
Việt Nam ai cũng muốn nhanh hơn, mạnh mẽ hơn, chắc chắn hơn trên con
đường xây dựng và phát triển sự nghiệp, hướng đến sự thành công vượt
trội. Để làm được điều đó, người Việt cần luôn tạo tập và phát triển cho
mình tâm thế đỉnh cao, tâm thế của người xuất chúng. Nghệ thuật lưu
giữ, tu luyện và phát triển thông minh Tâm thế là một bước nhảy vọt
trong quản trị con người. Làm chủ được nó, tạo cho mình một phong cách
sống đẳng cấp, một sự nghiệp bền vững, hạnh phúc hài hòa chính là quản trị tâm thế - cách mạng đích thực về quản trị con người.
Nguồn:
Nhịp sống Sài Gòn