KỸ NĂNG MỀM PHẢI THẬT CỨNG - KỸ NĂNG CỨNG PHẢI RẤT MỀM

Ts. Tâm Việt: Kỹ năng làm người, kỹ năng mềm là nền tảng thành đạt của bất cứ ngành nghề nào, nó rất ít thay đổi, vì vậy, phải được tôi luyện thật kỹ, thật rắn chắc – thật cứng. Kỹ năng cứng – kỹ năng nghề nghiệp, thay đổi quá nhanh nên phải rất mềm và luôn được điều chỉnh thì bạn mới không bị đẩy ra ngoài lề cuộc sống.

“Năm 2011, tỉ lệ SV ra trường làm việc trái ngành rất cao, tới 50%, thậm chí có khảo sát đưa ra tỉ lệ tới 85%. Phần lớn người làm việc trái ngành vì bắt buộc, không thể tìm được việc đúng chuyên ngành đào tạo, nhưng cũng không ít người thành công với việc làm trái ngành”. (Theo Lao Động Online). Ngay cả tác giả của bài này, người đã bỏ ra 10 năm sung sức nhất của thời trai trẻ để bảo vệ luận án tiến sĩ toán lý, vậy mà bây giờ, ông đang làm giảng viên đào tạo Kỹ năng mềm, hoàn toàn trái ngược với ngành nghề mà ông được đào tạo. Và ngay cả bạn – người đang đọc những dòng này, bạn có làm đúng nghề được học hay không? Và nếu bạn làm đúng nghề thì những kỹ năng cứng – kỹ năng chuyên môn của bạn so với thời đi học còn lại bao nhiêu phần trăm? Hay bạn đã được đào tạo mới hoàn toàn 100%.
Ta thấy rõ ràng rằng: việc làm, khả năng thành đạt và kỹ năng chuyên môn (Kỹ năng cứng), không phải lúc nào cũng ăn nhập với nhau. Sao lại thế? Tại sao lại thế?
Thế kỷ 21 là thế kỷ dựa vào kỹ năng, nhưng chúng ta được nhồi nhét quá nhiều kiến thức. Không chỉ có vậy, những kiến thức đó cực kỳ khó học và hơn nữa đó là, nó không bao giờ được dùng đến. Điều đó cũng như việc, nhà nghèo mà ta lại đi sắm những đồ vật rất đắt tiền để mang về và cất vào xó bếp hoặc để ở gầm cầu thang, gậm giường, khiến nhà cửa thêm bề bộn và chật chội.
“Không thể giải quyết vấn đề mới bằng chuẩn mực cũ”. “Làm như cũ mà mong kết quả mới là điên”.
Cũng trong thế kỷ 21 này, chỉ bằng điện thoại di động, qua internet, trong mấy phần nghìn giây, chúng ta hoàn toàn có được những thông tin cập nhật nhất về bất kỳ loại kiến thức nào. Chúng ta thay việc khổ sở học vẹt của mình (và ngay cả khi ta thuộc lòng rồi thì cũng không bao giờ sử dụng) bằng thời gian để rèn kỹ năng, thì chất lượng cạnh tranh của nguồn nhân lực nước nhà chắc chắn sẽ được nâng lên rất nhiều.
Dựa trên phương diện nghề nghiệp người ta phân chia kỹ năng thành 2 loại là: Kỹ năng cứng và Kỹ năng mềm.
Kỹ năng cứng là những kỹ năng kỹ thuật, kỹ năng chuyên môn, giúp con người thực thi những công việc cụ thể đạt được những tiêu chuẩn nhất định. Kỹ năng cứng thường gắn liền với các tiêu chuẩn kỹ thuật hoặc tuân theo các trình tự, thủ tục hành chính nhất định của từng tổ chức và có thể đo được. Các kỹ năng cứng mà chúng ta có thể thấy rõ trong xã hội như: kỹ năng hàn, kỹ năng lái ô tô; kỹ năng xây tường, kỹ năng vẽ thiết kế, kỹ năng làm báo cáo tài chính… Những kỹ năng cứng này thường được quy chuẩn theo những quy trình và nguyên tắc cụ thể và được đào tạo ở những trường lớp chính quy.
Kỹ năng mềm là những kỹ năng giúp con người tự quản lý, lãnh đạo chính bản thân mình và tương tác với những người xung quanh để cuộc sống và công việc thật hiệu quả. Kỹ năng mềm bao gồm các kỹ năng như: Kỹ năng giao tiếp, kỹ năng ứng xử, kỹ năng lắng nghe... Kỹ năng mềm thường khó quy chuẩn, phụ thuộc rất nhiều vào đối tượng tương tác và khó có thể đo được. Giao tiếp với cấp trên khác với giao tiếp với khách hàng; giao tiếp với con cái khác giao tiếp với đồng nghiệp… Kỹ năng cứng là chỉ dùng trong công việc, tại nơi làm việc, trong thời gian làm việc. Còn kỹ năng mềm thì được dùng mọi lúc, mọi nơi và suốt đời. Đơn giản, kỹ năng cứng như việc đi xe máy, bạn chỉ dùng rất ít. Còn kỹ năng giao tiếp lúc nào bạn cũng phải dùng, ngay khi ngồi một mình bạn cũng phải biết giao tiếp với chính mình và giao tiếp với chính mình là quan trọng nhất. Hơn nữa, theo mức độ thành đạt và trưởng thành về tuổi tác, tỷ trọng sử dụng kỹ năng mềm ngày càng nhiều hơn.
Kỹ năng mềm dùng mọi lúc, mọi nơi, suốt đời, với mọi người và với chính mình. Càng thành đạt, càng cao tuổi chúng ta càng thiên về kỹ nang mềm hơn.
Thế giới thay đổi ngày càng nhanh, kỹ năng cứng ngày càng mềm hơn. Sau 4 năm đại học, thì tất cả kiến thức và kỹ năng cứng, kỹ năng chuyên môn của bạn đã trở nên lỗi thời, (Đó là chưa nói đến việc chậm trễ thay đổi giáo trình học và việc thiếu cập nhật của thầy giáo). Trong thời buổi phát triển đến chóng mặt của khoa học công nghệ, có rất nhiều ngành nghề mất đi nhanh chóng và được thay thế bằng các ngành khác. Ngay cả kỹ năng cứng – kỹ năng chuyên môn của một ngành nghề cũng cần được cải tiến, nâng cấp một cách liên tục. Ví dụ như: kỹ năng sử dụng điện thoại di động. Khi mới ra đời, ta chỉ cần nắm vững hai chức năng là nhấn nút để nhận cuộc gọi tới và bấm số để gọi đi. Ngày nay, điện thoại di động đã trở thành một văn phòng di động thực thụ. Nó giúp bạn nhận email, tìm đường đi, xem thời tiết, nói chuyện bằng hình ảnh với người thân ở cách xa hàng vạn dặm... Và nếu kỹ năng cứng của bạn như cũ, thì bạn chỉ sử dụng được gần 1/100 chức năng của điện thoại di động. Để theo kịp tốc độ thay đổi của thời đại kỹ năng cứng của bạn phải rất uyển chuyển, phải rất mềm. Muốn vậy, bạn cần nắm thật vững kỹ năng tự học và tự thích ứng. Kỹ năng mềm đó là một trong những kỹ năng mềm quan trọng nhất để giúp bạn củng cố kỹ năng cứng, không bị đẩy ra ngoài lề xã hội.
Kỹ năng mềm thật cứng, thật vững vì nó hầu như không thay đổi theo thời gian, không gian. Ví dụ, để lắng nghe ở bất cứ thời đại nào, ở bất cứ dân tộc nào trên trái đất thì bạn vẫn cần kỹ năng mềm: “mắt chớp chớp, miệng đớp đớp, đầu gật như lạy phật”.
Quỹ nhi đồng liên hiệp quốc (UNICEF) và Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa Liên hiệp quốc (UNESCO) đã đưa ra bốn trụ cột của giáo dục là:
HỌC ĐỂ HIỂU BIẾT – năng lực nhận thức
1. Kỹ năng ra quyết định/ giải quyết vấn đề
2. Kỹ năng tư duy phân tích
HỌC ĐỂ LÀM NGƯỜI – năng lực cá nhân
3. Kỹ năng tăng cường khả năng kiểm soát bản thân
4. Kỹ năng quản lý cảm xúc
5. Kỹ năng quản lý căng thẳng và áp lực
HỌC ĐỂ CHUNG SỐNG – năng lực ứng xử
6. Kỹ năng giao tiếp ứng xử
7. Kỹ năng đàm phán/ từ chối
8. Cảm thông với người khác
9. Kỹ năng hợp tác và làm việc đồng đội
10. Kỹ năng gây ảnh hưởng
HỌC ĐỂ LÀM VIỆC – kỹ năng chuyên môn, kỹ năng cứng.
Rõ ràng kỹ năng mềm chiếm một tỷ trọng rất lớn - 3 trong 4 trụ cột.
Ông cha ta nói “Tiên học lễ hậu học văn”.
Nguyễn Du từng ca ngợi “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”.
Đức Phật dạy “Vạn pháp duy tâm tạo” – mọi thứ đều xuất phát từ tâm của ta. Điều đó được tạo ra từ Kỹ năng mềm.
Daniel Goleman cũng đã khẳng định: Kỹ năng cứng IQ chỉ chiếm 15%, kỹ năng mềm EQ chiếm 85% khả năng thành đạt của mỗi con người.
Ta hay nói rằng: “Làm thế nào để trở thành người kỹ sư xây dựng xuất sấc?” Và “Làm thế nào để trở thành người giáo viên toán xuất sắc?”. Ở đây, câu hỏi chung cho hai câu hỏi đó là: “Làm thế nào để trở thành người (tên nghề)... thành công xuất sắc?”
Cũng như vậy với tất cả các câu hỏi cho các ngành nghề khác nhau đều có chung một gốc: “Làm thế nào để trở thành người xuất sắc?”. Rõ ràng, kỹ năng làm người, kỹ năng sống, kỹ năng mềm là nền tảng cho tất cả các ngành nghề trong mọi thời đại. Vì vậy, chúng ta phải được tôi luyện kỹ năng mềm thật kỹ, thật rắn chắc – thật cứng. Thế giới công nghệ thay đổi càng ngày càng nhanh với gia tốc lớn. Chính vì vậy, kỹ năng cứng của bạn càng ngày càng phải mềm hơn.
Như vậy, để phát triển và thành công trong thời đại mới, kỹ năng cứng của bạn phải rất mềm và kỹ năng mềm thì cần thật sự cứng.