Ai ai cũng hô hào đổi mới: đổi mới thế
giới, đổi mới đất nước, đổi mới cơ quan, đổi mới… Cách mạng đích thực là
cải cách chính cái mạng của mình. Chọn cách này ta sẽ đau đớn, khó
chịu, khổ sở. Nhưng đó mới là cái gốc của đổi mới. Tiến trình đổi mới
chuẩn mực: Tu thân, tề gia, trị quốc bình thiên hạ.
Câu
chuyện kể về một nhà vua, sau chuyến vi hành của mình thì đôi chân bị
sưng lên đau nhức. Sở dĩ như vậy là vì những con đường trên vương quốc
của ông rất gồ ghề và nhiều đá sỏi. Ông quyết định truyền lệnh phải trải
thảm da cho tất cả các con đường của vương quốc mỗi lần ông đi vi hành.
Thấy vậy, một đại thần đã hiến kế cho nhà vui rằng, chỉ cần nhà vua may
một đôi giày với tấm lót bằng da ở dưới thì nhà vua đi tới đâu đôi chân
của ngài cũng bước trên những tấm da êm ái.
- Đổi mới những thứ bên ngoài
- Tự đổi mới bản thân
Nếu để cuộc sống trôi qua một cách tự nhiên, mọi thứ đều tuân theo quy luật: sinh, lão, bệnh, tử. Ta đang còn rất trẻ, đang đứng đầu trong tổ chức nhưng chỉ một thời gian, ta sẽ già hơn và rất có thể đứng ở vị trí cuối bảng trong chính tổ chức của mình. Thế giới biến đổi với tốc độ chóng mặt. Nhất là trong thời đại của 4G. Muốn tiếp tục tồn tại và phát triển ta cần phải đổi mới.
Thông thường người ta chọn cách 1 – Đổi mới những thứ bên ngoài bằng việc thay đổi chỗ làm việc. Họ nhảy từ công ty này sang công ty khác, hoặc chuyển sang dự án mới. Cách này có vẻ rất dễ. Khi đến chỗ mới, ta sẽ có lợi thế từ kinh nghiệm của nơi cũ và ta có điều kiện học thêm những điều mới mẻ. Vì vậy, ta sẽ hăng say và hào hứng làm việc hơn. Nhưng sau một thời gian, chu trình cũ sẽ lặp lại, ta tiếp tục rơi vào tụt hậu: lão, bệnh, tử. Và ta tiếp tục nhảy việc. Tuy vậy, mọi người vẫn chọn cách này vì cách này rất dễ làm. Nhất là khi ta đã có kinh nghiệm phỏng vấn tìm việc.
Một số ít người chọn cách 2 – Tự đổi mới bản thân. Cách mạng đích thực là cải cách chính cái mạng mình. Chọn cách này, ta sẽ đau đớn, khó chịu, khổ sở hơn. Nhưng đó mới là cái gốc của đổi mới. Và khi ta đã rèn được thành thói quen tự đổi mới và biến thách thức thành thích thú, đam mê, điều đó sẽ cho ta nền tảng vững chắc để luôn tiến bộ và vươn lên. Thế giới luôn thay đổi. Ta không thể thay đổi được thế giới mà cần thay đổi chính mình để thích nghi, thay đổi hay là chết. Không tiến thì biến.
Những áng văn sau đây được tìm thấy trên lăng mộ của một mục sư người Anh:
Khi tôi còn trẻ, trí tưởng tượng của tôi không giới hạn. Tôi mơ ước có thể thay đổi cả thế giới này.
Khi trưởng thành và già dặn hơn một chút, tôi nhận thấy thế giới chẳng đổi thay gì cả. Vì vậy tôi thu hẹp ước mơ của mình và quyết định sẽ làm thay đổi đất nước của tôi. Nhưng dường như đất nước tôi cũng chẳng có gì dịch chuyển.
Khi lập gia đình, tôi đã cố gắng hết sức hòng làm thay đổi gia đình tôi và những người thân của tôi. Nhưng họ chẳng mảy may có ý tưởng gì về điều đó.
Và giờ đây, khi đang hấp hối trên giường tôi chợt nhận ra: chỉ khi nào tôi thay đổi được bản thân mình thì tôi mới thay đổi được gia đình tôi.
Từ sự cổ vũ, khích lệ của họ tôi sẽ sống có ích hơn cho đất nước.
Và ai mà biết được, không chừng nhờ thế tôi sẽ thay đổi cả thế giới cũng nên.
Nhiều công ty, cá nhân nổi lên nhờ tự đổi mới, những chỉ một thời gian ngắn lại rơi vào tụt hậu vì họ rung đùi tự mãn. Họ đã nhanh chóng quên rằng mình được nổi lên là nhờ tự đổi mới. Nhất là trong thời đại ngày nay, khi công nghệ thông tin trong lòng tay mỗi người, thì tốc độ đổi mới của ta ngày càng phải gia tăng. Phải biến tự đổi mới thành văn hóa!
Hãy học loài chim ưng:
Cuộc đời chim ưng kéo dài khoảng 70 năm. Nhưng để sống được quãng đời đó, nó phải trải qua một quyết định khó khăn.
Đến 40 năm tuổi, móng vuốt chim ưng dài ra, mềm đi làm nó không còn bắt và quắp mồi được nữa. Mỏ dài và sắc của nó nay cùn đi, cong lại… Đôi cánh trở nên nặng nề với bộ lông mọc dài làm nó vất vả khi bay lượn, bắt mồi.
Lúc này, nó đứng trước hai sự lựa chọn:
Một là cứ như vậy và chịu chết.
Hai là: nó sẽ phải tự trải qua một tiến trình thay đổi đau đớn kéo dài 150 ngày. Trong tiến trình đó, nó bay lên một đỉnh núi đá và gõ mỏ vào đá cho đến khi mỏ cũ gãy đi. Chim ưng chờ cho mỏ mới mọc ra, rồi dùng mỏ bẻ gẫy các móng vuốt cũ đã mòn. Khi có móng vuốt mới, nó nhổ các lông già trên mình đi. Và sau năm tháng, chim ưng lại bay lượn chào mừng cuộc tái sinh và sống thêm ba mươi năm nữa.
Như vậy, để tồn tại, ta phải “Tự đổi mới”. Đôi khi cần phải loại bỏ những ký ức, quá khứ, thói quen già cỗi. Đồng thời, cần có một hoài bão lớn ở tương lại. Khi đó, chúng ta mới đi đúng hướng, mới thoát khỏi vùng tự mãn. Chỉ khi thoát khỏi gánh nặng của quá khứ, chắt lọc lại những tinh tú nhất, những phương thức hay nhất, hướng tới tương lai hoành tráng, ta mới sống hết mình trong hiện tại được. Hệt như ngôi nhà của ta, nhiều khi ta phải đập phá chính cái mình đã lập ra. Phải vượt lên chính mình. Việc này chắc chắn gian khổ nhưng cũng là cơ hội để ta vươn lên một tầm cao mới.
Vậy, trong bối cảnh hiện nay, đâu sẽ là thời điểm của mỗi cá nhân, của từng doanh nghiệp “tự đổi mới”?
Hiện tại, kinh tế đang khủng hoảng, đó cũng là may mắn. Khủng hoảng bắt tất cả các cá nhân các tổ chức phải nhìn lại mình, đánh giá lại mình, tái định vị lại để tiến tiếp. “Nguy cơ” là trong “nguy” có “cơ”, trong “cơ” có “nguy”. Vấn đề không phải cái gì xảy ra mà quan trọng là ta xử lý như thế nào. Hãy biến khó khăn thành thách thức, thành cơ hội để “tự đổi mới” chính mình, cho một tầm cao mới trong tương lai.
Tiến trình đổi mới chuẩn mực: Tu thân, tề gia, trị quốc bình thiên hạ.
Nguồn:
Theo Nhịp sống Sài Gòn